Doanh nghiệp thép, bán lẻ đóng góp hàng đầu vào sự tăng trưởng toàn thị trường của các công ty niêm yết trong quý II/2024.
Ước tính từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 20,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ vào sự phục hồi kinh tế rõ ràng hơn và hiệu ứng cơ sở thấp từ quý II/2023.
Trong đó, điểm nhấn là ngành thép, bán lẻ đóng góp hàng đầu vào sự tăng trưởng. Lợi nhuận ngành thép ghi nhận tăng trưởng 437% nhờ biên EBITDA mở rộng, do giá đầu vào giảm mạnh hơn so với giá bán và doanh thu quý II/2024 tăng do khối lượng bán hàng tăng so với mức thấp của năm ngoái.
Lợi nhuận ngành bán lẻ tăng 379% so với cùng kỳ trong quý II/2024. Dẫn đầu bởi nhà bán lẻ ICT – Thế giới di động (mã MWG) với lợi nhuận ròng tăng mạnh 6.635% so với cùng kỳ, đạt 1,17 nghìn tỉ đồng trong quý II/2024. Kết quả tích cực này được ghi nhận nhờ doanh thu cải thiện trên mỗi cửa hàng, một phần trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống phân phối và đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả.
Ngành công nghiệp, xây dựng và vật liệu, hóa chất ghi nhận tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 319%, 71,3% và 59,6%. Theo VNDIRECT, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Ở một diễn biến khác, ngành bất động sản đã có những dấu hiệu cải thiện. Sự suy giảm lợi nhuận vẫn diễn ra với mức giảm 16,9% nhưng tỉ lệ suy giảm đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy ngành bất động sản đang bắt đầu phục hồi.
Đặc biệt, chuyên viên phân tích Nguyễn Ngọc Hiếu – Công ty Chứng khoán VNDIRECT – nhận thấy chi phí đi vay đã tạo đáy trong quý I/2024 và tăng nhẹ trong quý II/2024 khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ không tăng quá nhanh mà sẽ duy trì ở mức vừa phải để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện vay vốn.
“Chi phí lãi vay tăng lên 6,0% trong quý II/2024, tăng 0,4 điểm % so với quý trước. Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm xuống 70,2% trong quý II, giảm 5 điểm % so với quý trước cho thấy thời kỳ lãi suất thấp có vẻ như đã kết thúc khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng quá nhanh so với khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải giảm mức vay mượn” – ông Hiếu nói.