Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp chế xuất thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
Doanh nghiệp chế xuất ngoài hoạt động chế xuất còn được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác nếu đáp ứng được quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP):
– Việc bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất phải bảo đảm ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác;
– Hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động chế xuất và các hoạt động kinh doanh khác;
– Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trường hợp sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thuế.
Doanh nghiệp chế xuất ngoài hoạt động chế xuất còn thực hiện hoạt động khác (bán hàng hóa đối với hoạt động mua bán hàng hóa theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu) theo quy định của pháp luật thì sử dụng hóa đơn như sau:
– Doanh nghiệp chế xuất đăng ký khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khi bán hàng hóa đối với hoạt động mua bán hàng hóa theo quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất theo quy định tại khoản 53 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;
– Doanh nghiệp chế xuất sử dụng hóa đơn bán hàng khi bán hàng hóa đối với hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu (hoạt động chế xuất) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguyễn Nhung – Cục Thuế