Để đảm bảo duy trì, nâng cao điểm số, thứ hạng của các chỉ số PAR Index, PCI, DDCI, SIPAS… năm 2024, Sở Công Thương Quảng Ninh chủ động nhận diện những tồn tại và đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Để nâng cao hiệu quả các bộ chỉ số thành phần, thời gian qua, Sở Công Thương quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai các chỉ số thành phần; thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, hỗ trợ, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh đảm bảo công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thực chất, chiều sâu, mang lại hiệu quả, gắn với lợi ích của doanh nghiệp… Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên năm 2023, điểm số, thứ hạng một số chỉ số vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các chỉ tiêu của Sở Công Thương nằm trong trục “Chính sách dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, trong đó, Sở chủ trì 5 chỉ số thành phần và 1 chỉ số đồng chủ trì với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Theo đó, Sở thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời chủ động làm việc để tháo gỡ khó khăn cũng như kịp thời nắm bắt để tham mưu cho tỉnh chỉ đạo giải quyết. Năm 2023, đã có 5 chỉ số thành phần tăng điểm và chỉ có 1 chỉ số thành phần giảm điểm liên quan đến chính sách, áp dụng FTA. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân của sự giảm điểm là do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ với năng lực quản lý còn nhiều hạn chế, do đó việc khai thác các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả…
Cũng theo kết quả công bố về xếp hạng và đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đạt 86,47 điểm, đứng thứ 14/20, giảm 1,98 điểm so với năm 2022, giảm 7 bậc trên bảng xếp hạng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm các chỉ số này là chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo dõi thi hành pháp luật theo quy định; chưa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Sở; cải cách tài chính công còn một số tồn tại về tiết kiệm kinh phí, tăng thu nhập cho công chức, viên chức làm việc tại sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc…
Bên cạnh đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) năm 2023 của Sở Công Thương tăng 2,23 điểm so với năm 2022, xếp vị trí thứ 6/16 sở, ngành, nhưng lại giảm 1 bậc so với năm 2022; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh (SIPAS) năm 2023, đạt 94,69% điểm chỉ số hài lòng, xếp hạng 7/20 sở, ban, ngành tham gia khảo sát, tăng 6 hạng so với năm 2022.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trên cơ sở nhận diện những tồn tại cũng như duy trì những mặt tích cực, để duy trì, nâng cao điểm số và thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung đã được phân công tại các văn bản, chỉ đạo của Sở; chủ động triển khai và phối hợp với các sở, ngành phụ trách đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện điểm số ở các chỉ số còn thấp điểm, giảm điểm, thứ hạng; tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chính sách chiến lược đã được đưa ra; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình trợ giúp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính FTA. Đồng thời, chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Sở, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong năm 2024; tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thiết thực; cải thiện các chỉ số còn xếp hạng thấp như: Thiết chế pháp lý, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các nội dung của chỉ số thành phần… Từ đó, khắc phục những tồn tại, nâng cao các chỉ số Par Index, PCI, DDCI, SIPAS năm 2024 của Sở, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.