Để kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Qua đó, giúp bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, với sự bùng nổ của công nghệ hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ðặc biệt, có một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đã cố tình dùng nhiều “chiêu trò” để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Khi có khách đặt hàng, các đối tượng yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng các dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Trước tình trạng này, Cục QLTT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, đội và cán bộ, nhân viên trong toàn lực lượng; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ðội QLTT bám sát, phối hợp với địa phương, đơn vị, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trong tình hình mới; tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và của tỉnh về phòng chống gian lận thương mại; tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT để người dân nắm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, không bị rơi vào bẫy lừa đảo…
Lực lượng QLTT toàn tỉnh đã siết chặt kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng, trên sàn TMĐT và đã phát hiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Điển hình như ngày 13/5, qua rà soát hoạt động kinh doanh thực phẩm trên ứng dụng facebook và việc thực hiện công tác thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh L.T. H (có địa chỉ tại phường Trần Phú, TP Móng Cái), đoàn kiểm tra phát hiện 424 sản phẩm thực phẩm nhập lậu gồm: 30 thùng củ cải muối (10kg/thùng), 340 lọ đậu phụ thối loại 340g/lọ và 54 can xì dầu loại 1,9 lít/can, xuất xứ Trung Quốc, nhập lậu trị giá 48,8 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh khai nhận mua gom số hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo về bán tại cửa hàng và đăng bán qua facebook. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nhập lậu trên, tiếp tục xác minh và hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng phạt tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm. Đây cũng là cảnh báo, bài học cho những người kinh doanh các sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường qua các trang mạng xã hội.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 553 vụ, phát hiện xử lý 530 vụ/545 đối tượng/635 hành vi vi phạm, bằng 106% số vụ xử phạt so với cùng kỳ 2023; xử phạt trên 16,2 tỷ đồng, bằng 143,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, có nhiều vụ được phát hiện, xử lý qua công tác thẩm tra, xác minh các tài khoản bán hàng trên môi trường mạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái.
Ông Nguyễn Ðình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhưng việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT của các lực lượng chức năng hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các đối tượng bán hàng không có cửa hàng cụ thể, mà đặt hàng, lấy hàng ở nhiều nơi, sau đó sử dụng dịch vụ đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ. Trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán khiến cho lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để theo dõi, xác định và thu thập chứng cứ, đấu tranh xử lý. Thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên không gian mạng; đẩy mạnh kiểm tra các website bán hàng, website cung cấp dịch vụ TMĐT có trụ sở trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền cho người dân, chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ pháp luật về hoạt động TMĐT và rà soát, kiểm soát các trang bán hàng trên Facebook, Zalo, TikTok, Telegram,… Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng triển khai biện pháp nghiệp vụ hữu hiệu để theo dõi đơn vị vận chuyển, tài khoản xã hội có số lượng người theo dõi lớn, các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sản xuất, người tiêu dùng.