Ngoài các dự án tại Tây Nguyên, 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít tại miền Bắc sẽ được đầu tư mới đến 2030, theo Quy hoạch mới.
Chiều 9/8, Bộ Công Thương công bố 3 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản, sau khi được Chính phủ phê quyệt.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản đến 2030 tầm nhìn 2050, hoạt động thăm dò, khai thác bô xít phải gắn với chế biến sâu (tức tối thiểu sản xuất đến sản phẩm alumin). Từ nay tới 2030, các dự án khai thác bô xít sẽ duy trì công suất thiết kế mỏ hiện có. Hai mỏ tại Tây Tân Rai và Nhân Cơ (Lâm Đồng) sẽ được nâng công suất, và xem xét đầu tư mới các mỏ tại Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Gia Lai, với tổng công suất khai thác khoảng 68-112,2 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.
Trong giai đoạn này, ba dự án khai thác quặng bô xít sẽ được đầu tư mới tại miền Bắc, gồm Lạng Sơn (1 mỏ) và Cao Bằng (2 mỏ), với tổng công suất 1,55-2,25 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.
Tuy nhiên, quy hoạch lưu ý, các mỏ bô xít khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư), sẽ xem xét thăm dò, cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ kinh tế xã hội. Còn các mỏ ở khu vực miền Bắc có chất lượng thấp sẽ khai thác để thu hồi tối đa khoáng sản, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng trọt, phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu.
Sau năm 2030, sẽ đầu tư mới các dự án tại khu vực Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Kon Tum để cung cấp tinh quặng bô xít cho các dự án nhà máy alumin đã đầu tư, dự án mở rộng. Tổng công suất khai thác đến 2050 khoảng 72,3-119 triệu tấn quặng nguyên khai một năm.
Về khoáng sản titan, quy hoạch đặt mục tiêu từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ – tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng.
Cùng đó, Quy hoạch cũng nêu mục tiêu phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm. Các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu. Còn hoạt động khai thác niken, đồng, vàng cũng phải đi kèm dự án đầu tư chế biến và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm, đảm bảo môi trường.
Quy hoạch này đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Theo đó, vốn ngân sách chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Còn nguồn lực tư nhân sẽ được huy động để khai thác, chế biến, đầu tư công nghệ mới.
Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư; phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành năng lượng, đưa giá năng lượng vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh.
Còn theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, hạ tầng dự trữ dầu thô đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng, và tăng lên 25 ngày nhập ròng sau 2030.
Dự trữ thương mại tăng thêm 2,5-3,5 triệu m3 đến năm 2030, và đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 vào sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng. Dự trữ quốc gia đảm bảo đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng đến 2030 và tăng lên 25-30 ngày nhập ròng vào sau 2030.
Hạ tầng dự trữ với LPG sức chứa tới 800.000 tấn và tăng lên 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030. LNG đạt 20 triệu tấn một năm tới 2030 và tăng lên gấp đôi vào 2030.