Nhu cầu sử dụng vải không dệt trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ từ sau COVID-19 nhờ quy tụ nhiều đặc tính xu hướng của thời đại.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế về công nghệ vải không dệt và vệ sinh công nghiệp, dân dụng (Gentexh 2025) mới đây.
Theo bà Mai, vải không dệt tức loại vải được xử lý hóa học, cơ học, nhiệt hoặc sử dụng dung môi để tạo sự liên kết thay vì dệt. Loại vải này được ứng dụng rộng rãi trải dài mọi lĩnh vực từ xây dựng, nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế nhờ ứng dụng làm khẩu trang.
“Vải không dệt mới chỉ được chú ý kể từ sau đại dịch COVID-19 cùng cuộc khủng hoảng khẩu trang y tế”, bà Mai cho hay.
Bên cạnh đó, bà Mai cho hay vải không dệt được dự đoán là xu hướng tương lai do có thể linh hoạt về thành phần nguyên liệu nên chúng dễ dàng được tạo ra từ vật liệu tái chế và bản thân chúng cũng có thể tái chế, phân hủy nhanh hơn nhiều với vải dệt thông thường song chi phí sản xuất không quá cao.
Dù được dự đoán là xu hướng thời đại với tính ứng dụng rộng rãi, từ làm túi lọc trà tới túi lọc máu cho bệnh nhân chạy thận, song bà Mai đánh giá công nghệ sản xuất vải không dệt tại Việt Nam còn yếu, chưa làm được những sản phẩm cao cấp đòi hỏi công nghệ tiên tiến, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.
Tương tự, bà Hồ Xuân Thủy – đại diện Hiệp hội Trang thiết bị y tế TP.HCM – cho hay nhờ đặc tính nhẹ, thấm hút tốt, vải không dệt được ứng dụng rộng trong y tế như làm khẩu trang, băng gạc, lõi lọc máu, lọc dịch trong thiết bị y tế cho bệnh nhân chạy thận…
Tuy nhiên, các sản phẩm ngành y có nhiều quy chuẩn khắt khe, do đó dù nhu cầu sử dụng rất lớn song thị trường trong nước chưa đáp ứng được.
Báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligencec chỉ ra sự bùng phát của COVID-19 và nhu cầu về khẩu trang không dệt kéo theo sự tăng trưởng nhu cầu về vải không dệt trên toàn thế giới với tốc độ cấp số nhân.
Theo Mordor Intelligencec, quy mô thị trường vải không dệt ước tính đạt 57,14 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 76,54 tỉ USD vào năm 2029, tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 6,02% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ có sự gia tăng mạnh nhất, đặc biệt ở Ấn Độ và Trung Quốc do nhu cầu các sản phẩm vệ sinh tăng mạnh.