Từ kết quả tích cực của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp thành phố, cấp xã khi kinh tế – xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các đơn vị hành chính sau sáp nhập không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian tới. Các phương án sắp xếp đã được tỉnh và các địa phương xây dựng đúng quy định, hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại sự phát triển mới cho địa phương, lợi ích cho nhân dân.
Chắc hẳn người dân Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng chưa thể quên ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, trong đó huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào TP Hạ Long.
Sau sáp nhập, với không gian phát triển rộng mở, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối vùng, liên vùng về phía huyện Hoành Bồ cũ. Tiêu biểu phải kể đến như cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh; Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương – Đồng Sơn; Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường tỉnh 342 đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm…
Kể từ khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long đến nay, TP Hạ Long đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư trên 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thành phố dự kiến sẽ đầu tư tiếp khoảng 40 dự án từ nay đến năm 2025, qua đó tạo động lực, mở rộng không gian phát triển mới cho Hạ Long.
Đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tiêu biểu phải kể đến sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đã tạo ra không gian phát triển rộng lớn, khai thác, đánh thức các tiềm năng mới, động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đã đạt trên 64 triệu đồng/người/năm, vượt xa so với năm 2022 là 54,5 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Sau sáp nhập, cơ sở hạ tầng được tỉnh, huyện Tiên Yên quan tâm đầu tư, tiêu biểu như tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ dài 7,08km đã được hoàn thành, thay thế con đường trước kia dài hơn 17km, nhiều dốc cao, gập ghềnh. Tuyến đường mới không chỉ làm giảm khoảng cách, giảm thời gian đi lại mà còn thu hẹp khoảng cách phát triển của Đại Dực với vùng thấp.
Từ kết quả hết sức tích cực của việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trước đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tiến hành sáp nhập 12 đơn vị cấp xã. Trong đó, đối với huyện Ba Chẽ, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Minh Cầm vào xã Lương Mông thành xã Lương Minh. Sau sắp xếp, huyện Ba Chẽ có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 6 xã Lương Minh, Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và thị trấn Ba Chẽ. Đối với TP Cẩm Phả, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cẩm Hải vào xã Cộng Hòa thành xã Hải Hòa. Sau sắp xếp, TP Cẩm Phả có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 xã Hải Hòa, Dương Huy và 13 phường: Quang Hanh, Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Sơn, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh, Cửa Ông, Mông Dương.
Đối với TX Đông Triều, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tân Việt vào xã Việt Dân thành xã Việt Dân; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Đông Triều vào phường Đức Chính thành phường Đức Chính. Sau sắp xếp, TX Đông Triều có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 10 xã Việt Dân, Bình Khê, Hồng Thái Tây, Bình Dương, An Sinh, Hồng Thái Đông, Nguyễn Huệ, Thủy An, Tràng Lương, Yên Đức và 9 phường: Đức Chính, Mạo Khê, Xuân Sơn, Hoàng Quế, Hưng Đạo, Hồng Phong, Kim Sơn, Yên Thọ, Tràng An.
Đối với TP Móng Cái, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Lạc vào phường Trần Phú thành phường Trần Phú. Sau sắp xếp, TP Móng Cái có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 9 xã Hải Xuân, Hải Đông, Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Vạn Ninh, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Sơn, Bắc Sơn và 7 phường: Trần Phú, Ka Long, Hải Yên, Hải Hòa, Trà Cổ, Bình Ngọc, Ninh Dương.
Đối với TP Hạ Long, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Trần Hưng Đạo vào phường Yết Kiêu thành phường Trần Hưng Đạo. Sau sắp xếp, TP Hạ Long có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 12 xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Tân Dân, Vũ Oai, Hòa Bình, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng và 20 phường: Trần Hưng Đạo, Hồng Gai, Bạch Đằng, Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hồng Hải, Hồng Hà, Hà Tu, Hà Phong, Bãi Cháy, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Hùng Thắng, Tuần Châu, Việt Hưng, Đại Yên, Hoành Bồ.
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh có 171 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 95 xã, 69 phường và 7 thị trấn, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 3 xã, 3 phường).
Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không gây xáo trộn, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính đã đem lại làn gió mới, tạo động lực để đơn vị sau sáp nhập phát triển bứt phá. Tin tưởng rằng, với chủ trương đúng, trúng, những đơn vị cấp xã được sáp nhập tới đây sẽ có bước phát triển mới về kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao.