Bám sát chiến lược phát triển của Quảng Ninh về thực hiện tăng trưởng xanh, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo tiêu chuẩn canh tác tốt…
Ở các mô hình sản xuất trên, người dân ưu tiên sử dụng tài nguyên sẵn có trong tự nhiên, không sử dụng hoá chất như phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản… thậm chí không sử dụng giống cây trồng, vật nuôi biến đổi gen. Sản phẩm tạo ra là những nông sản lành mạnh, bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ con người. Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp xanh, sạch này ít tác động môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, tăng khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu.
Tại trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Tôn Quyền (thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) có quy mô khoảng 40.000 con/lứa, 1 năm nuôi gối vụ 8 lứa, mỗi lứa nuôi khoảng 45 ngày. Trong cả quá trình 45 ngày phát triển của đàn gà, ông Quyền sử dụng trấu để làm đệm lót sinh học, qua đó có tác dụng giữ ấm cho gà, thấm hút chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, ngăn ngừa mùi hôi, hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm. Thời điểm lứa gà được xuất bán, toàn bộ vật liệu làm đệm lót sinh học cũng được thu gom và tái sử dụng làm phân bón cây trồng.
Cơ sở chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) thời gian gần đây đã mạnh dạn tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất. Đến thời điểm này, cơ sở Dũng Nga đã liên kết với khoảng 150 hộ trồng chè, diện tích sản xuất là 100ha. Từ cách liên kết theo chuỗi, cơ sở Dũng Nga tự tin thành lập HTX chè Đường Hoa Cương và trở thành một trong 24 thành viên chủ chốt của HTX, với năng lực sản xuất, tiêu thụ chè lớn nhất huyện…
Những mô hình nông nghiệp xanh, sạch như trại gà Nguyễn Tôn Quyền, cơ sở chè Dũng Nga đã đạt được 2 mục tiêu, bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị sản xuất. Điều đáng nói là trên địa bàn Quảng Ninh hiện đang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp phát thải thấp đến môi trường như vậy.
Hiện toàn tỉnh có trên 62.000ha trồng trọt, trên 32.000ha nuôi trồng thuỷ sản và 175.000ha rừng sản xuất, cùng đàn gia súc, gia cầm khá lớn. Với dư địa sản xuất này, rất nhiều nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường, lên men thức ăn, ủ phân hữu cơ… thay vì sử dụng chất gốc hoá học như trước đây.
Các địa phương trọng điểm nông nghiệp khuyến khích người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón cải tạo đất; tiến hành những mô hình điểm nông nghiệp xanh, sạch như lúa – rươi – cáy, trồng cây quế, hồi hữu cơ, chế biến trà hoa vàng hữu cơ, áp dụng chương trình quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Qua đó, giảm đến 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc bất lợi với môi trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm cây ngập nước, tăng cây trồng trên cạn…
Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều địa phương đã triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ theo hướng áp dụng quy chuẩn canh tác hữu cơ trong nước vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng; đặt chỉ tiêu cụ thể về diện tích, quy mô cây trồng, vật nuôi đạt quy chuẩn hữu cơ; hướng tới áp dụng chuẩn hữu cơ quốc tế vào các vùng canh tác nông nghiệp của tỉnh.
Có thể thấy, các mô hình nông nghiệp phát thải thấp đã, đang và sẽ là xu hướng phát triển tất yếu, chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, là giải pháp phù hợp, hoà nhịp với chuyển động phát triển kinh tế chung của tỉnh. Mô hình nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường cũng là nền tảng để đông đảo người dân Quảng Ninh phát triển kinh tế một cách bền vững, giá trị cao.