Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tới gần, thời điểm này các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng nguồn cung, đảm bảo chất lượng và giá cả. Theo dự báo, các mặt hàng Tết năm nay dồi dào, phong phú, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.
Năm 2023 có rất nhiều khó khăn, thử thách, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo xuyên suốt, bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm gắn với kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, tình hình cung – cầu thị trường trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm trên địa bàn tỉnh; không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Về giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng bình quân năm 2023 trên địa bàn tỉnh có hướng tăng so với năm 2022, tuy nhiên mức tăng giá trong tầm kiểm soát.
Để sẵn sàng cho thị trường tiêu dùng Tết và sau Tết Nguyên đán năm 2024, Sở Công Thương đã xây dựng và ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng, phòng kế hoạch tài chính và các ban quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ… trên địa bàn phối hợp, chủ động triển khai công tác đảm bảo hàng hoá thiết yếu; nắm bắt thông tin về dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp trước, trong và sau Tết; xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Dự thảo Chỉ thị về việc đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 333 cửa hàng tiện lợi, 25 Trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, 24.000 cửa hàng/hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Các đơn vị trên đều sẵn sàng nguồn cung ứng và dự trữ hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được niêm yết giá rõ ràng để tạo thuận tiện cho người dân tới mua sắm.
Theo đại diện Siêu thị Winmart tại Trung tâm Thương mại Vincom Hạ Long, xác định vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua bán của người dân tăng hơn bình thường. Đơn vị đã chủ động nguồn hàng từ sớm với rất nhiều thể loại mặt hàng phong phú phục vụ người dân. Các mặt hàng nhu yếu phẩm, như: Gạo, rau, củ quả, bánh kẹo, đồ khô… được nhập đầy đủ trưng bày tại kệ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hiện lượng hàng hóa lưu và bảo quản kho cũng đã về được khoảng trên 70%. Năm nay, Siêu thị đã xây dựng và đưa vào chuẩn bị khoảng 50 tỷ nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Siêu thị cũng đã triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, bốc thăm trúng thưởng để kích cầu mua sắm từ tháng 12/2023 đối với các mặt hàng Tết và sẽ kéo dài tới thời điểm Tết Nguyên đán. Đơn vị tiếp tục về thêm hàng hóa để đảm bảo đáp ứng lượng mua sắm của người dân, không để tình trạng khan hiếm hoặc hết hàng xảy ra trong hệ thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cũng đã phát triển được 560 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, với 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Để đảm bảo về chất lượng và nguồn hàng, các doanh nghiệp OCOP đã chủ động nguyên liệu, tập trung nhân lực, thực hiện sản xuất các sản phẩm OCOP để kịp đưa ra thị trường, đáp ứng được sức mua của người dân vào dịp Tết. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Newstar, phường Hồng Hà (TP Hạ Long), hiện đơn vị đã sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm OCOP nước mắm Sá Sùng Cái Rồng – VanBest và một số sản phẩm gia vị. Để phục vụ cho thị trường Tết, đơn vị chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế các khâu từ sớm để đảm bảo đưa được nguồn hàng ra thị trường đúng thời điểm. Năm nay, sản phẩm được chuẩn hóa hơn về mẫu mã, bao bì và giá cả các sản phẩm cũng được đảm bảo với các combo trà, hay giỏ quà tặng yêu cầu hoặc đóng sẵn. Đặc biệt, phục vụ thị trường Tết năm nay, đơn vị có nhiều chương trình khuyến mại, sản phẩm hấp dẫn rất thích hợp để làm quà biếu cho gia đình, bạn bè, người thân, như: Sản phẩm combo hộp quà “Ngự biển”, “Sum họp”, “Hải thiên đường”… Hiện các sản phẩm của đơn vị được phân phối tới các cửa hàng, đại lý, trên các sàn thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo Sở Công Thương, chuẩn bị cho nguồn hàng Tết, từ tháng 12/2023 đến hết Tết Nguyên đán 2024, trên địa bàn tỉnh đã dự trữ hàng hóa với trị giá gần 1.300 tỷ đồng phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân và khách du lịch. Trong đó, Siêu thị Go! Hạ Long dự trữ trên 60 tỷ; siêu thị MM Mega Market khoảng 135 tỷ; chuỗi siêu thị Winmart gần 200 tỷ (4 siêu thị tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và Uông Bí); chuỗi siêu thị Aloha tại huyện Đầm Hà và TX Đông Triều gần 80 tỷ; chuỗi siêu thị Lan Chi tại TX Đông Triều, TX Quảng Yên) khoảng 50 tỷ; siêu thị bách hóa tổng hợp TTP khoảng 15 tỷ… Khi nhu cầu thị trường trong tỉnh có biến động, các siêu thị vẫn luôn sẵn sàng đáp ứng được việc bổ sung nguồn hàng trong ngày theo nhu cầu.