Di sản lễ hội tại Ba Chẽ đặc sắc ở chỗ đều diễn ra ở vùng đồng bào DTTS và được cộng đồng các dân tộc tham gia hưởng ứng rất nhiệt thành.
Khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay huyện Ba Chẽ lần thứ 3 năm 2024.
Trên địa bàn huyện Ba Chẽ hiện có các lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội Trà hoa vàng, lễ hội đình Đồng Chức (xã Lương Minh), lễ hội Bàn Vương (xã Nam Sơn), ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn), chợ phiên văn hóa vùng cao (xã Lương Minh), ngày hội Văn hoá dân tộc Tày, lễ hội đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà (xã Nam Sơn)… Những lễ hội này đã góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Ba Chẽ gắn với nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng địa phương đến với đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh.
Đáng chú ý, bắt đầu từ năm 2020, lễ hội Bàn Vương, một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao lần đầu tiên được tổ chức. Lễ hội tái hiện hành trình “Vượt biển” của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới và nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu ấm no, hạnh phúc. Ngoài hoạt động chiêm bái tâm linh, lễ hội nhằm bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung. Đồng thời là dịp để các nghệ nhân và cộng đồng người Dao gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.
Tại các lễ hội đều có phần lễ trang trọng với các nghi thức chung, như: Tế lễ, dựng cây nêu, rước kiệu, cúng cây nêu, cuốc hố tra hạt, cày tịch điền đầu xuân, thi cấy… Phần hội sôi nổi vui tươi với các chương trình văn nghệ, thi các môn thể thao dân tộc kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đi guốc mộc, bóng chuyền hơi, thi gói bánh chưng, bánh coóc mò, giã bánh dày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nông sản địa phương. Trong lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà còn có lễ rước nước, rước kiệu, dâng hương, thả cá phóng sinh, có phần hội giao lưu sản phẩm OCOP, thi chèo thuyền nam, nữ, gói bánh chưng, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, nhảy sạp.
Nghi lễ nhảy lửa trong lễ hội Bàn Vương (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ).
Huyện Ba Chẽ cũng tổ chức nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc, tổ chức các phiên chợ vùng cao. Hoạt động của các chợ phiên văn hoá vùng cao được theo đăng ký đầu năm 2024, đã thu hút trên 8.400 khách giao lưu, mua bán tại các chợ phiên. Ví dụ như chợ phiên văn hoá vùng cao xã Lương Minh đã được duy trì hoạt động có những nét riêng của chợ vùng cao, thời gian hoạt động vào các ngày 4, 14, 24 âm lịch hằng tháng. Du khách đến đây có thể mua các sản phẩm nông sản, dược liệu, sản phẩm OCOP, trải nghiệm các món ăn mang bản sắc riêng của vùng cao, tham quan hồ chứa nước 4 xã vùng cao, vãng cảng đình Đồng Chức.
Hoặc chợ phiên Đạp Thanh duy trì hoạt động vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hằng tháng. Đến chợ phiên du khách có thể mua các sản phẩm nông sản, dược liệu, sản phẩm OCOP địa phương, trải nghiệm các món ăn mang bản sắc riêng của vùng cao, trải nghiệm các hoạt động đi bè mảng trên sông Ba Chẽ, ngắm cảnh sắc non nước hữu tình núi rừng Đạp Thanh. Cùng với đó là nhiều chương trình nghệ thuật tuyên truyền – chiếu phim, biểu diễn xiếc, triển lãm tranh cổ động phục vụ chính trị tại các xã Đạp Thanh, xã Đồn Đạc, thu hút hơn 800 lượt người đến xem và cổ vũ.
Du lịch lễ hội đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Trong năm 2024, huyện đã thu hút trên 35.000 lượt khách, chủ yếu là khách đến tham dự lễ hội. Số khách lưu trú chiếm hơn 7.200 lượt. Du khách chủ yếu khách đi lễ hội, vãng cảnh du xuân và chủ yếu đến từ các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Yên Bãi, Thái Bình, Thanh Hoá… Những con số đó là tín hiệu đáng mừng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương./.