Theo những người trong cuộc, các sân khấu kịch tại TP HCM thắng lớn mùa Tết 2024 vì chọn vở diễn đúng với sở trường của dàn diễn viên đang cộng tác.
Việc “đo ni đóng giày” cho từng người cũng là yếu tố khiến kịch Tết được phát huy và trở thành điểm nhấn của mỗi thương hiệu sân khấu. Tăng cường truyền thông, tạo sự tương tác trên mạng xã hội để quảng bá vở diễn, tạo độ hấp dẫn cũng là cách thức để khán giả tìm đến phòng vé.
TP HCM có 13 sàn diễn sáng đèn mùa Tết và đều bán được vé với số lượng cao hơn những ngày cuối tuần. Đó là Nhà hát IDECAF, Nhà hát Thanh Niên (ông bầu Huỳnh Anh Tuấn), Sân khấu Trương Hùng Minh (của NSƯT Minh Nhí và nghệ sĩ Việt Hương), Sân khấu Kịch Thiên Đăng (do NSƯT Thành Lộc và một số nghệ sĩ kỳ cựu thành lập), Xóm Kịch (vợ chồng Xuân Trang – Hoàng Thy), Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Quốc Thảo (Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận), Sân khấu Sài Gòn Phẳng – Nhà hát Thế Giới Trẻ, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Nhóm kịch Đời, Nhóm kịch Hoài Linh (diễn tại Phim trường Truyền thông Khang), Nhà hát Thế Giới Trẻ – nhóm NSND Hoàng Yến.
Một lý do thành công khác của kịch Tết năm nay là các vở cũng là kịch mục diễn lâu dài. NSƯT Minh Nhí tiết lộ: “Tôi đã chọn lựa kịch bản và quyết định chỉ dựng 2 vở diễn Tết là “Lẹ lẹ trễ phà” và “Truy lùng thái tử”. Bởi lẽ, sau Tết 2 vở này vẫn có thể sáng đèn hằng tuần. Đầu tư một lần tốn kém thì phải khai thác cho hiệu quả”.
Sân khấu Kịch Thiên Đăng cũng vậy. Các vở diễn Tết như: “Nội tình của ngoại tình”, “Duyên thệ”, “Ngũ quý tương phùng”… cũng đều có thể sáng đèn trong năm 2024.
Hai đơn vị dựng kịch thiếu nhi diễn Tết là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM và Sân khấu Kịch Ban Mai (Sân khấu Hòa Bình C30) cùng chương trình nghệ thuật xiếc – múa rối nước tại Công viên Gia Định (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), Bảo tàng Lịch sử… cũng thu hút lượng khán giả đáng kể.