Việc phát triển diễn xướng hát then của người Tày vào phục vụ du lịch là cần thiết nhằm tăng thêm sắc màu cho du lịch địa phương. Tuy nhiên, để khai thác hát then, đưa lên sân khấu hấp dẫn du khách thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những mô hình để vận dụng sáng tạo và hiệu quả trong phát triển du lịch cộng đồng.
Trong then nghi lễ, tùy nghi lễ cụ thể sẽ có những điểm khác nhau nhưng nội dung của lời then đều diễn tả con đường Then đưa binh mã lên trời. PGS.TS Vương Toàn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: Then là hình thức diễn xướng đặc sắc của dân tộc Tày ở Bình Liêu nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Từ một hình thức cúng bái đáp ứng nhu cầu tâm linh, then xuất hiện thêm một hình thức văn nghệ dân gian có giá trị giải trí và không còn chỉ là của người Tày.
Cộng đồng dân tộc Tày ở Quảng Ninh vẫn rất có ý thức bảo tồn, thể hiện ở việc bà con vẫn mời nghệ nhân Then về nhà thực hiện các nghi lễ hằng năm. Các nghệ nhân đến làm nhiệm vụ vẫn tuân thủ trình tự của cuộc hành lễ. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu tâm là hiện nay có một số người hành nghề then nói rằng, họ đã tự lược bỏ đi một số công đoạn không cần thiết của đường then vì họ thấy rườm rà. Để đưa hát then lên sân khấu cũng vậy, cần phải cắt gọn lại nhưng không làm biến dạng đi cái gốc ban đầu.
Cũng theo PGS.TS. Vương Toàn, trước hết cần thu hút du khách ở những nét đặc thù, cần phát huy những nét được xem là bản sắc của then Tày Bình Liêu như là tính tẩu hai dây, âm điệu trầm. Về nội dung diễn đạt, cần thu hút du khách bằng sự tích hấp dẫn, có thể là mới sáng tác gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương. Cũng nên khai thác khả năng đặt lời mới, kể cả có cải biên, miễn sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Khách đến Bình Liêu không dừng lại ở việc theo dõi các nghi lễ cầu cúng mà còn được xem trình diễn những sáng tác ca ngợi mảnh đất, con người nơi đây.
Để khai thác tốt điều đó, cần có người ký âm, sưu tầm một số trích đoạn then cổ để truyền dạy và đưa lên sân khấu. Cần nhấn mạnh thêm là việc đưa then cổ lên sân khấu chỉ mang tính chất giới thiệu. Công việc này phải được làm cẩn thận dưới sự chỉ bảo của các nghệ nhân hát then cổ, tránh làm biến dạng di sản quý giá của dân tộc Tày.
TS. Hoàng Thị Lê Thảo, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định: Cộng đồng đã khai thác khía cạnh then từ loại hình tín ngưỡng sang dạng sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, mang theo yếu tố tâm linh và văn hoá thực tiễn, để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Các nghệ sĩ đã sáng tạo và tái hiện then thông qua nhiều tác phẩm âm nhạc và múa, khai thác chất liệu then cổ để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của đời sống đương đại. Điều quan trọng là then đã từ không gian thiêng của những nghi lễ truyền thống được đưa ra sân khấu, nơi mà những diễn xuất then được trình diễn, làm cho gần gũi với khán giả hiện đại. Do đó, then không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn truyền bá tri thức về di sản văn hoá của dân tộc.
Thạc sĩ Lý Thị Chiên, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, cho rằng, cơ quan chức năng địa phương cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm du lịch nghiên cứu xây dựng các gói sản phẩm du lịch có hát then. Ngoài các hoạt động thông thường như biểu diễn then hay giao lưu hát then thì còn có thể dạy hát then cho du khách.
Để then thể hiện được hết hồn vía của nó thì sân khấu cần phải gắn với không gian nhà sàn và sắc áo chàm dân tộc. Điều đó cũng sẽ giúp du khách cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của then, được đắm mình trong không gian mang hình hài, sắc màu dân tộc. Bình Liêu cũng nên duy trì việc trồng lúa nương trên ruộng bậc thang để đảm bảo sinh cảnh, một nét đặc trưng của địa hình, địa mạo. Đồng bào dân tộc Tày ở Bình Liêu phải giữ được chất đặc sắc vùng miền của then, cần tự hào, tự tôn với chất then riêng miền sơn cước biên cương để không bị lẫn với then của vùng khác.