Nhà văn Di Li bàn về tính cả nể, lười đọc sách, hay gây ồn ào, không bảo vệ tài sản công trong sách “Tật xấu người Việt”.
Sách gồm 48 bài viết, được Di Li soạn trong 15 năm, sau quá trình quan sát, so sánh khi tiếp xúc người Việt và nhiều người dân các nơi khác trên thế giới. Tác giả cho biết lường trước sách sẽ gây nhiều tranh cãi bởi nhiều quan điểm có thể gây chạnh lòng. “Tôi mong độc giả tiếp nhận các câu chuyện của tôi với thái độ thiện chí”, Di Li nói.
Các vấn đề Di Li nêu trong sách khá gần gũi, là nhiều tình huống bất kỳ ai cũng gặp trong cuộc sống như người hàng xóm ở tầng trên chung cư thường làm việc khuya và gây tiếng ồn, một đứa trẻ nhà cạnh bên thường tập piano lúc 22h hay việc mỗi người đối diện với những lời khen, chê thiếu tế nhị.
Tác giả bàn nhiều về việc giáo dục trong mỗi gia đình, qua câu chuyện người Việt thường bênh vực “trẻ con không có lỗi”, dẫn đến nhiều tình huống trẻ con gây ồn ào trong quán xá, hành xử không đúng với người lớn. Chuyện phụ huynh ép con học, “chạy” thành tích giáo dục cũng được đề cập.
Những tật xấu mà Di Li nêu ra, ngay chính bản thân cô cũng nhiều lần tự mắc. Chẳng hạn, vốn đã quen với sự cả nể, thường giúp đỡ nhau vô điều kiện của người Việt, tác giả từng choáng váng khi một anh bạn người Mỹ trả lời “không thể làm việc này nếu như không được trả tiền”, khi cô gửi vài trang tác phẩm dịch nhờ người này xem giúp. “Sống trong một dân tộc trọng tình hơn lý và hay cả nể, tôi chưa từng đối diện những cuộc hội thoại theo cách dội gáo nước lạnh như vậy”, Di Li viết.
Bàn về nhiều vấn đề mang tính văn hóa liên quan tính cách người Việt, Di Li đưa ra quan điểm riêng nhưng không võ đoán. Với kinh nghiệm đi qua nhiều nước châu Á, châu Âu, các phép so sánh giữa người Việt và người nước ngoài mà tác giả kể sinh động, với nhiều nhân vật là người thật, việc thật.
Cô sử dụng các số liệu nghiên cứu, các thông tin từng được công khai trên báo chí. Chẳng hạn, bàn về vấn đề lười đọc sách của người Việt, Di Li lấy số liệu trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách một năm (theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong cuốn Quốc gia khởi nghiệp, ở các nước phát triển, người dân đọc khoảng 20-60 cuốn sách một năm. Trong một số phần nghiên cứu về tính kế thừa văn hóa, tính cách, Di Li có tham khảo, phân tích các luận điểm từ nhiều công trình, trong đó có cuốn Tâm lý dân tộc An Nam (Paul Giran, 1904) hoặc cuốn Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam (Emmanuel, 1999). Sau Tật xấu người Việt, Di Li sẽ ra mắt cuốn Tính tốt người Việt.
Trong lời đề tựa, nhà báo Yên Ba viết: “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi! Nhưng, câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhận xét: “Di Li đã nhìn từ chốn công cộng đến bên trong mỗi gia đình, phân tích một cách khoa học, có hệ thống từng tật xấu của người Việt. Mỗi chúng ta khi đọc sách, có thể soi lại chính mình, để bản thân cải thiện và dần tốt hơn”.
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, 45 tuổi, sinh tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, thạc sĩ Quản lý của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà văn là tác giả 27 cuốn sách thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký với đề tài đa dạng về thiếu nhi, kinh dị, tình cảm: Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7, Chiếc gương đồng, Adam & Eva, Cocktail thị thành, Bình minh ở Sahara, Tôi PR cho PR. Phim Trại hoa đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết của cô do Victor Vũ đạo diễn, ra mắt năm ngoái.