Đọc sách là cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy tri thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Thế nhưng, ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc sách.
Nhân loại nói chung, Việt Nam chúng ta nói riêng đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, cuộc sống số. Vì thế, không có gì lạ khi thói quen truy cập mạng trở nên phổ biến, khi muốn có thêm thông tin có thể tìm trên những trang báo mạng, muốn tra cứu vấn đề gì đều có thể vào các trang chuyên về tìm kiếm trên mạng. Điều đó khiến giới trẻ dường như ngày càng tìm đến sách báo ít hơn.
Theo một khảo sát gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.
Theo thống kê từ Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, Đông Nam Á gọi tên Singapore, Malaysia và Indonesia, hoàn toàn không có tên Việt Nam. Còn theo một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), ở Việt Nam, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người đọc thường xuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả khảo sát như trên là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ. Một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành thời gian cho việc học quá nhiều nên những nhu cầu giải trí trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Và còn một thực tế cũng nguy hại không kém, đó là việc đọc sách của các bạn trẻ ngày nay hầu như chỉ theo phong trào chứ không thực chất và nếu có đọc thì thường chọn những loại truyện ngôn tình, những loại sách đen.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ cũng thay đổi rất nhiều. Thời xưa người ta thường hay nói đến “sách gối đầu giường”, nhưng thời nay “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ lại là Smartphone. Trong thời đại mới, cách đọc sách, truyện không còn theo truyền thống như trước nữa. Thay vì lật giở từng trang sách, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các trang web hoặc phần mềm để nghe sách, nghe truyện. Đương nhiên, đọc sách in hay đọc sách điện tử, cũng là đọc. Không phải ngồi cầm quyển sách, lật từng trang mới là đọc sách.
Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử có thể sẽ là hình thức của sách trong tương lai. Điều đó đòi hỏi những người viết sách cũng cần phải đổi mới về phong cách viết, hình thức truyền tải để phù hợp với xu thế hiện nay. Cùng với đó, những nhà quản lý trang mạng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chú ý hơn trong việc rà soát nội dung để sách điện tử đến với bạn đọc một cách ý nghĩa nhất.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ Thư viện Yến – một thư viện mini ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long) cho biết, đối tượng đến với quán sách của chị thuê sách, truyện khá đa dạng. Với độ tuổi cấp tiểu học, THCS thì phần nhiều do bố mẹ đưa đến mua hay bảo lãnh thuê. Mua, sưu tầm các ấn bản mới thì chủ yếu là học sinh THPT, sinh viên. Mua nhiều nhất thì là đối tượng 8X, 9X đã đi làm vì sách mới giờ đắt nên phải có điều kiện kinh tế. Ngoài ra có các bác về hưu tới mua nhưng ít hơn. Ngoài ra, còn có các độc giả ở tỉnh ngoài đặt mua qua mạng.
Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất.