Ruộng bậc thang, mùa vàng Bình Liêu cùng những giá trị văn hóa cộng đồng… là những nét độc đáo, vô cùng thu hút, được coi là nguyên liệu “vàng” cho các sản phẩm du lịch, hướng tới phát triển bền vững.
Được coi là địa phương có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, Bình Liêu còn thực sự thu hút du khách khám phá, trải nghiệm ruộng bậc thang dịp thu đông. Không chỉ tạo nên cảnh quan ngoạn mục ở các thôn bản, ruộng bậc thang còn mang những giá trị văn hóa đặc sắc.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ruộng bậc thang có từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu. Ruộng bậc thang còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa độc đáo. Đặc biệt, tháng 11/2020, ruộng bậc thang đẹp nhất ở Lục Hồn (xã Lục Hồn) được công nhận là Di tích, danh thắng cấp tỉnh.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy đảm bảo giá trị, tính hấp dẫn, tính bền vững, đặc biệt khi được công nhận di tích, danh thắng là vấn đề đáng quan tâm. Chuyên gia UNESCO Việt Nam khi tới Bình Liêu tháng 11/2020 đánh giá cao cảnh đẹp, giá trị ruộng bậc thang và các nét văn hóa trong cộng đồng, từng cho rằng: Nên cho du khách trải nghiệm những gì người dân muốn thay vì du khách đến và làm thay đổi Bình Liêu.
Để phát huy hết giá trị, bản sắc cũng như hướng tới phát triển bền vững, ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu, cho biết: Chúng tôi quan tâm lựa chọn, khai thác, phát huy những giá trị đặc trưng nhất của di tích để vừa bảo tồn, phát huy được thắng cảnh vừa hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, Bình Liêu đã có cách làm khá căn bản. Ngay sau khi được công nhận, trước tiên, huyện đã tiến hành bảo tồn nguyên trạng khu vực vùng lõi di tích, tiếp tục mở rộng diện tích ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phù hợp; lập quy hoạch bảo vệ di tích, danh thắng. Cụ thể hơn, huyện khoanh vùng, bảo vệ, gắn bia di tích; xây dựng quy chế bảo vệ, ký cam kết với địa phương, thôn bản, cam kết không xâm lấn, phá hoại; thành lập các tổ, đội tự quản bảo vệ khu vực di tích…
Xác định giá trị văn hóa của bà con dân tộc sinh sống trong vùng di sản ruộng bậc thang là phần hồn cốt quan trọng, Bình Liêu đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị.
Huyện nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, như: Lễ mừng cơm mới (dân tộc Tày), Lễ cầu mùa (dân tộc Sán chỉ) và đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức bảo tồn các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, như: Nghề trồng lúa nương, trồng dâu nuôi tằm, thêu dệt trang phục truyền thống và đồ lưu niệm… Huyện cũng cho thành lập các đội văn nghệ tại các thôn nằm trong khu vực di tích; tổ chức các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ dân tộc… nhằm phục vụ khách du lịch.
Một trong những điểm mấu chốt, được Bình Liêu đặc biệt quan tâm là tạo sức hút riêng biệt cho di tích. Đó là nghiên cứu bảo tồn, phục dựng các lễ hội (Lễ hội cầu mùa, Lễ mừng cơm mới); các trò chơi dân gian (ném còn, đánh quay, đi cà kheo…); truyền dạy dân ca, dân vũ và các nghề truyền thống…
Đây là các hoạt động sẽ được phục vụ du lịch. Về cảnh quan, huyện cũng khuyến khích khôi phục phát triển lúa nương trên ruộng bậc thang; phát triển các loại cây, hoa phù hợp tại khu vực đồi tròn thôn Khe O… Tất cả nhằm tạo cảnh quan mùa vàng chín đều, đẹp, cùng thời điểm cũng như định hướng xây dựng một biểu tượng của ruộng bậc thang ở Bình Liêu.
Thực tế hơn, huyện kết nối với các công ty lữ hành khảo sát, xây dựng và triển khai các tour, tuyến du lịch đến ruộng bậc thang Lục Hồn, như: Vietravel, Du lịch Hà Nội, Tân Hồng, Halo tour… để phát triển tour, đưa khách tới Bình Liêu.
Về lâu dài, Bình Liêu nghiên cứu, phát triển không gian du lịch của ruộng bậc thang Lục Hồn trên cơ sở kết nối du lịch với núi Cao Xiêm, đầu tư kết cấu hạ tầng (giao thông từ Ngàn Pạt lên núi Cao Xiêm, điểm chụp ảnh check-in, bay dù lượn)… tại khu vực núi Cao Xiêm. Huyện cũng xúc tiến đầu tư mời gọi thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển sản phẩm du lịch nhằm phát huy di tích, danh thắng ruộng bậc thang Lục Hồn.
Nhờ đó, khám phá ruộng bậc thang và các bản, làng là điểm đến của nhiều du khách, là điểm nhấn cho hành trình, tuyến điểm của các lữ hành. Ruộng bậc thang, lễ hội “Mùa vàng Bình Liêu” những năm gần đây đã trở thành thương hiệu hấp dẫn. Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị, nguyên liệu “vàng” này cần có sự quan tâm, đầu tư, kết nối mạnh mẽ khai thác hết các giá trị thành sản phẩm du lịch thực tế.