Từ tháng Giêng ở TX Quảng Yên có rất nhiều lễ hội đặc sắc, diễn ra sôi động, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng giang, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Mùng 5 Tết, TX Quảng Yên long trọng tổ chức khai hội Tiên Công năm 2024. Lễ hội Tiên Công gắn với kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434-2024), là một trong những hoạt động của thị xã hưởng ứng và chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2024. Lễ hội đã được bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là lễ hội được người dân nơi đây mong đợi nhất với nghi lễ “rước người” độc đáo, ít thấy ở các vùng quê khác.
Lễ “rước thọ”, “rước cụ thượng” chính là linh hồn của lễ hội Tiên Công, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các vị Tiên Công có công quai đê, lấn biển, tạo dựng vùng đảo này. Trong ngày chính lễ mùng 7 tháng Giêng, từ sáng sớm những đoạn rước cụ thượng (cách gọi cung kính với các cụ trong làng tròn 80, 90 và từ 100 tuổi trở lên) xuất phát từ nhà thờ tổ, con cháu đội các mâm lễ vật đi trước với trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, hương án trên có kết hoa. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước cá nhân hoặc đám rước tập thể. Các đám rước nhập lại khi đến gần miếu Tiên Công tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt, trang trọng, thiêng liêng. Đại diện các dòng họ sẽ dâng lễ vật và tế trên bia Tiên Công. Lễ hội năm nay có 138 cụ thượng (60 cụ ông, 78 cụ bà; 89 cụ tròn 80 tuổi, 46 cụ tròn 90 tuổi, 3 cụ tròn 100 tuổi), với 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân.
Bên cạnh các nghi lễ được tổ chức theo đúng phong tục tập quán truyền thống của địa phương, lễ hội năm nay còn có các hoạt động vui chơi như đánh cờ, chơi đu, hát đúm, hát dân ca quan họ… Lễ hội thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà còn rất nhiều du khách tham gia trẩy hội. Chị Vũ Thị Hường (phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng cũng thu xếp trở về quê hương dự lễ. Đã nhiều năm tham gia, nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy háo hức. Chỉ mong cha mẹ sống lâu, sống thọ để được đưa rước các cụ về miếu đường làm lễ”.
Là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa, dịp đầu xuân cũng là lúc mùa lễ hội ở Quảng Yên chính thức bắt đầu. Bên cạnh lễ hội Tiên Công ở đảo Hà Nam, xã Hiệp Hòa cũng tổ chức lễ hội Tiên Công, phường Tân An có lễ hội Cầu ngư – Xuất hành khai thác thủy sản, xã Liên Hòa có lễ hội Nhị vị Tiên Công… Cùng với đó là lễ hội đình Hưng Học, hội xuân chùa Giữa Đồng ở phường Nam Hòa; hội xuân chùa Đống Phúc ở phường Yên Giang… cùng các lễ hội Đại kỳ phước ở đình Cốc, đình Hưng Học, đình Lưu Khê, đình Quỳnh Biểu, đình Yên Giang, đình Quỳnh Lâu, đình Vị Khê, đình Hải Yến… tại các phường, xã.
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã, cho biết: Quảng Yên huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa tổ chức lễ hội đảm bảo vui tươi, trang trọng, văn minh, tiết kiệm, hiệu quả và tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, UBND thị xã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội đảm bảo tính chuyên nghiệp, bài bản; từng bước đưa khu di tích quốc gia miếu Tiên Công và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành điểm đến hấp dẫn, sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo chỉ đạo của UBND thị xã, các xã, phường xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội từ sớm, phối hợp với các đơn vị chức năng sẵn sàng phương án phân luồng, kiểm tra vệ sinh ATTP, ANTT tại các khu vực lễ hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách về dự lễ hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi phải mang đậm chất dân gian, ý nghĩa, lịch sử lễ hội gắn với chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Các lễ hội đầu xuân đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Đến ngày 13/2, TX Quảng Yên đã đón 195.000 lượt khách đến các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, các tuyến điểm du lịch, nhất là các lễ hội truyền thống.