Các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu, hoặc trong cả chuỗi sản xuất của quá trình sản xuất nông nghiệp để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian tới, cần xây dựng chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được ban hành.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nhiều công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được tập trung nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng thông qua việc triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghệ cao như Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen…
Thí dụ, ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao. Công nghệ in vitro trong nhân giống cây trồng quy mô công nghiệp đã giúp giảm giá thành cây giống; nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế dịch bệnh hại.
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia về lúa gạo đã chọn tạo, phát triển và công nhận lưu hành 19 giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu một số sâu bệnh chính… Đáng chú ý, đã làm chủ được công nghệ sản xuất bao gói khí quyển biến đổi (MAP), hỗ trợ hiệu quả công tác xử lý bảo quản nông sản, thực phẩm sau thu hoạch. Sản phẩm này có chất lượng tương đương sản phẩm MAP-CE44 của Viện công nghệ thực phẩm Hàn Quốc, với chỉ tiêu về thời gian bảo quản tăng gấp bốn lần so với các sản phẩm bao gói nông sản, thực phẩm thông thường.
Việc ứng dụng công nghệ blockchain, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm nghiên cứu, đầu tư với quy mô lớn, theo chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới, công nghệ nhập khẩu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành như: Lộc Trời, TH True Milk, Dabaco, Nafood…
Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 126 doanh nghiệp, chăn nuôi có 88 doanh nghiệp, thủy sản có 68 doanh nghiệp và lâm nghiệp có 8 doanh nghiệp.
Số liệu điều tra của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 70% vùng đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết tháng 5/2021, cả nước đã hình thành 1.916 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục 53,2 tỷ USD, vượt rất xa giá trị đạt được năm 2020 là 41,25 tỷ USD. Những số liệu trên cho thấy đóng góp của việc ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn trong quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đó là việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro như bảo hiểm nông nghiệp.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thủ tục vay vốn, vay tín chấp, vay có tài sản thế chấp. Một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới ở giai đoạn đầu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì không có nguồn vốn, đang chờ ngân sách.
Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng hầu hết mới chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng, khu vực.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được nguồn vốn, gắn với chính sách bảo hiểm để cân bằng, chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có trách nhiệm trong việc bảo đảm các khu phát triển đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh việc bị méo mó mô hình hoạt động.