Bước qua quý I năm nay, ngành tôm đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, rào cản và thách thức cho ngành tôm vẫn không hề nhỏ.
Xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I năm nay ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng ngành tôm, sau những khó khăn trong năm 2023, bước qua quý I năm nay đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các địa phương và doanh nghiệp cũng mạnh dạn đề ra mục tiêu cao cho cả năm nay. Tuy nhiên, rào cản và thách thức cho ngành tôm vẫn không hề nhỏ.
Đơn hàng những tháng đầu năm tăng cao, doanh nghiệp đặt mục tiêu ít nhất 12 triệu USD cho kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2024. Song song với các giải pháp về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường.
Ông Trần Bé Sáu – Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt – Úc, Bạc Liêu cho biết: “Cố gắng đạt trên 12 triệu USD, cũng không phải là lớn nhưng đóng góp sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm con tôm hoàn hảo để xuất qua các thị trường khó tính”.
Là một trong 3 tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, Bạc Liêu phấn đấu xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỉ USD trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm của địa phương đã cao hơn cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước trong quý I cũng ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Chúng tôi sẽ mở rộng các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và khởi công một nhà máy chế biến thức ăn 130.000 tấn để phục vụ cho các vùng nuôi của Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Dù đang ở đà khởi sắc và tăng trưởng trở lại, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong đó, giá thành chính là rào cản lớn nhất. Nguyên nhân giá thành con tôm Việt Nam cao hơn những nước khác đã được xác định. Tuy nhiên, chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: “Hạ tầng thuỷ sản nói chung và hạ tầng tôm còn yếu kém cho nên ảnh hưởng chi phí logistics lớn. Việc nữa là công tác giống, chúng ta vẫn phải nhập mỗi năm 250.000-260.000 cặp bố, mẹ. Đây là bài toán đầy thách thức”.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản. Song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng mới để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn. Việc tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu.