Để tạo điều kiện giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nhất là những đơn thư khiếu nại kéo dài, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.
Đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp để giải quyết dứt điểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Văn Thìn (Phú Yên) nêu rõ, qua công tác tiếp công dân cho thấy, phần lớn các vấn đề tập trung khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất là những đơn thư khiếu nại kéo dài. Các vướng mắc phát sinh từ quá trình phát triển kinh tế-xã hội qua các thời kỳ; có những vướng mắc kéo dài rất nhiều năm.
Đại biểu chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc này là do các cơ quan quản lý Nhà nước là chủ yếu, hoặc tại địa phương trước đây thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật, hoặc do pháp luật thay đổi qua các thời kỳ mà không áp dụng được các điều khoản chuyển tiếp. Hiện các vụ việc này hầu như không giải quyết được, nếu áp dụng pháp luật hiện hành cũng không giải quyết được.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại các thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, vướng mắc nào chưa rõ, cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành thì giao cho các bộ, ngành và Tổ Công tác của Chính phủ nghiên cứu có những hướng dẫn để giải quyết dứt điểm.
Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp áp dụng trong một thời gian nhất định, tránh trường hợp lạm dụng để các bộ, ngành phải thực hiện thay phần việc của địa phương.
Góp ý cụ thể liên quan việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, thực trạng cho thấy việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn. Đối với một số đơn, thư hợp lệ bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn nhằm trả lời đơn là chủ yếu.
Đại biểu nêu rõ, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều khía cạnh. Theo đó, khi công dân nộp đơn thường cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan như hồ sơ về đất đai, đối với đơn có nội dung khác thường cung cấp không đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần. Vì vậy, không tránh khỏi có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết…
Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị, ngoại trừ các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đền bù phức tạp kéo dài. Thông thường, Đoàn đại biểu Quốc hội nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo, không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc…
Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu kiến nghị, tại các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.
Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Còn theo đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An), tiến độ thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chậm, chưa xác định được lộ trình cụ thể để đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào vận hành đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này để sớm có giải pháp khắc phục và cam kết tiến độ hoàn thành để tránh lãng phí thời gian, công sức của người dân và cán bộ, công chức.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để thuận tiện trong việc quản lý, lưu trữ, tra cứu, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn thư, từ đó có thể lựa chọn các vụ việc để tập trung giám sát, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Phân định rõ các loại đơn theo thẩm quyền giải quyết, hạn chế trùng lặp
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một công việc khó khăn, phức tạp. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác này trong năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác này đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nội dung tuyên truyền.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác này này còn hạn chế. Do đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.
Về tiếp công dân và xử lý đơn thư, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, số đơn thư năm 2023 tăng mạnh; tỷ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cao lại càng giảm; việc chuyển đơn và xử lý đơn còn nhiều bất cập.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời nghiên cứu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, phân định rõ các loại đơn theo thẩm quyền giải quyết, hạn chế trùng lặp.
Về kết quả kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết 623, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
Thanh tra Chính phủ đã tích cực phối hợp Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng, địa phương tiến hành rà soát, phân loại, giải quyết cụ thể 1.003 vụ việc. Các địa phương rà soát, phân loại, giải quyết 856/1.003 vụ việc, đạt 85,3%, còn lại 147 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phát huy trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài còn lại.