Với quyết tâm tăng trưởng trên 10% ở năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số, Quảng Ninh đang khẩn trương điều chỉnh kịch bản tăng trưởng trên cơ sở bám sát các điều kiện, nhu cầu thực tế, phù hợp với quá trình phát triển từng ngành, từng địa phương.
Kết thúc 7 tháng triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, tuy các trụ cột tăng trưởng kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách; dịch vụ – du lịch… đều đảm bảo theo kế hoạch kịch bản được xây dựng ngay từ đầu năm song dư địa phát triển của Quảng Ninh vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để so với cơ hội, tiềm năng; một vài điểm nghẽn, khó khăn bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể như với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tăng 34,81% trong 7 tháng đầu năm nhưng chỉ có 5/16 sản phẩm đạt và vượt tiến độ kịch bản tăng trưởng, còn lại 11/16 sản phẩm chưa đạt tiến độ. Bên cạnh đó, thu ngân sách nội địa chỉ đạt 51% dự toán, không đạt tốc độ thu bình quân theo kịch bản; tỷ lệ giải ngân còn thấp; tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 4,4% so với cuối năm 2023, thể hiện nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn yếu… Điều này đang tạo áp lực rất lớn lên các ngành kinh tế trong những tháng cuối năm, đòi hỏi Quảng Ninh phải có sự nhìn nhận rõ ràng, giải pháp kịp thời, phù hợp để giải quyết những điểm nghẽn, khai thác dư địa đang có.
Bám sát các chỉ đạo từ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đặc biệt Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với các chỉ tiêu cụ thể như: Đảm bảo tăng trưởng cả năm đạt trên 10%, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 3 tỷ USD; tổng khách du lịch cả năm đạt trên 17 triệu lượt khách…
Tại Hội nghị Giao ban thường kỳ UBND tỉnh diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng, đảm bảo điều kiện, nhu cầu thực tế, phù hợp với quá trình phát triển từng ngành, từng địa phương trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung vào các trụ cột tăng trưởng, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực, thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Trên cơ sở đó, kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh điều chỉnh; chương trình hành động về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng tháng cũng đã được xây dựng; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đơn vị, địa phương với tinh thần xuyên suốt, chủ đạo là: Tập trung vào đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bám sát các động lực là các KCN, KKT; kinh tế di sản; kinh tế đô thị, kinh tế số; sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công và phát huy tối đa hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy hợp tác, kết nối liên vùng và quốc tế…
Đối với các khu vực kinh tế, sẽ điều chỉnh tăng thêm ở hầu khắp các lĩnh vực đảm bảo mục tiêu trong quý III tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 12,02% và quý IV sẽ tăng 12,85%, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 10,9%. Trong đó, khu công nghiệp – xây dựng điều chỉnh tăng 9,38%; khu dịch vụ tăng 14,86%; thuế sản phẩm tăng 8,53% tổng vốn đầu tư xã hội đạt 109.358 tỷ đồng. Đặc biệt, với lợi thế là địa phương đang có sức hút rất lớn trong phát triển du lịch khi triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm dịch vụ mới gắn với việc nâng cao chất lượng. Do vậy, kịch bản thu hút khách du lịch của Quảng Ninh trong năm 2024 được điều chỉnh mục tiêu sẽ đón được 19 triệu lượt khách, tăng thêm hơn 2 triệu so với nghị quyết, kế hoạch giai đoạn đầu năm.
Quan điểm phát triển đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh sẽ được gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, con người thông qua việc thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Bằng những giải pháp cụ thể, sự chủ động, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh… ở giai đoạn những tháng cuối năm, các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra chắc chắn sẽ được tỉnh hoàn thành. Đây sẽ là một kỷ lục mới trong giai đoạn phát triển ở một tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc như những gì cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chúc mừng và biểu dương tại chuyến thăm tỉnh vào tháng 4/2022.