Nếu vi phạm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Uỷ ban Châu Âu (EC) việc xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ giảm mạnh hoặc ngừng hẳn. Tên quốc gia bị cảnh báo vi phạm IUU sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này có thể thấy nếu không kịp thời gỡ “Thẻ vàng” thuỷ sản thì trong tương lai, ngành Thuỷ sản của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vô cùng lớn.
Theo quy định, nếu Liên minh châu Âu xác định một nước xuất khẩu thủy sản sang EU không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc khai thác là hợp pháp, được khai báo và theo quy định thì quốc gia đó sẽ bị cảnh cáo chính thức – nhận “Thẻ vàng” để cải thiện. Quốc gia nhận cảnh báo “Thẻ vàng” sẽ được EU cho phép có một khoảng thời gian để thực thi các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng vi phạm IUU. Kết thúc thời gian cho phép, nếu đáp ứng được các điều kiện do phía EU đưa ra, sẽ được xóa cảnh báo trước đó – nhận “Thẻ xanh”, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.
Còn đối với “Thẻ đỏ”, kể từ khi nhận cảnh báo “Thẻ vàng”, nếu quốc gia đó không khắc phục các thiếu sót, chưa có đủ sự nỗ lực trong việc quản lý nghề cá và ngăn chặn vi phạm quy định IUU thì sẽ phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang thị trường EU – nhận “Thẻ đỏ”. Trong trường hợp nhận “Thẻ đỏ”, toàn bộ thị trường châu Âu sẽ từ chối việc nhập khẩu thủy sản từ quốc gia vi phạm.
Đối với “Thẻ vàng” của ngành Thuỷ sản Việt Nam, EU đưa ra 4 nhóm khuyến nghị, bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; quản lý đội tàu, kiểm soát tàu cá; kiểm soát, truy suất nguồn gốc hải sản khai thác; thực thi pháp luật.
Trước những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến ngành Thuỷ sản khi các vi phạm quy định IUU vẫn còn diễn ra, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền… xác định công tác chống vi phạm IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương phải quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững.
Các ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…
Triển khai các biện pháp chống vi phạm quy định IUU, những năm qua, cùng với các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước, Quảng Ninh đã và đang vào cuộc tích cực khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU. Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, quy định về quản lý, phân công, phân cấp quản lý tàu cá, xử lý tang vật vi phạm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập các điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản khai thác.
Đến ngày 22/6/2024, toàn tỉnh có 6.193 tàu cá đã đăng ký (đăng ký chính thức và đăng ký tạm thời), tăng 637 tàu so với năm 2023. Số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 94% (tăng 7,3% so với năm 2023); trong đó, tàu từ 6m đến dưới 12m được cấp giấy phép đạt 94%, từ 12m đến dưới 15m đạt 94,6% và từ 15m trở lên đạt 99,2%; 100% tàu cá đã đăng ký được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2023; 100% tàu cá trên 15m khai thác tuyến khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ bởi các ngành chức năng. Quảng Ninh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quy định về IUU. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xử lý 181 tàu cá, phạt hành chính gần 2 tỷ đồng.
Để duy trì thành quả trong chống vi phạm quy định IUU cũng như tiếp tục khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm chung tay gỡ “Thẻ vàng” cho ngành Thuỷ sản, Quảng Ninh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử nghiêm các vi phạm, nhất là đối với tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động); kiểm soát, truy suất nguồn gốc, sản lượng thủy sản khai thác; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với những tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, vượt ranh giới khi hoạt động trên biển theo quy định; tổ chức các đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát tàu cá, các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.
Mới đây, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 107/TB-UBND ngày 27/6/2024 về việc hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.489 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đang hoạt động chưa đăng ký chính thức. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, hướng dẫn UBND các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện đăng ký chính thức cho các tàu cá. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 31/12/2024. Sau ngày 5/1/2025, các tàu cá thuộc danh sách chưa được đăng ký chính thức theo quy định, Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp đưa vào danh sách tàu cá bất hợp pháp gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Có thể thấy, việc chưa gỡ được “Thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Thuỷ sản Việt Nam. Chính vì vậy, để những vi phạm về IUU không còn rất cần sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó các chủ tàu khai thác thuỷ sản, ngư dân đóng vai trò quyết định.