Bộ Tài chính vừa cho biết đến cuối năm 2023, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn gần 6.700 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với năm trước đó.
Theo Bộ Tài chính, quý cuối năm ngoái, cơ quan quản lý sử dụng hơn 132,8 tỷ đồng từ quỹ bình ổn và trích quỹ 14,9 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2023 khoảng 3,3 tỷ, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ âm không đáng kể.
Như vậy, tính đến cuối 2023, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng hơn 6.655 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ so với quý liền trước. Nhưng so với năm 2022, số dư quỹ cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn giá được hình thành tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đây cho biết, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại với số tiền là 7.927 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp đầu mối là Hải Hà Petro, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Trước đó, thông tin về quản lý quỹ, Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, bảo toàn số dư quỹ. Bộ Tài chính, Công Thương có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Nhằm quản chặt hơn, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế tình hình trích lập, sử dụng quỹ của doanh nghiệp đầu mối.
Trường hợp thương nhân đầu mối bị xử phạt nhưng tái phạm nhiều lần về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển hoặc không thực hiện kết chuyển quỹ sẽ bị xem xét tạm ngừng kinh doanh hoặc rút giấy phép, theo Bộ Tài chính.