Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho 1 ngày.
Sáng 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), với 468/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật, việc đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông được thực hiện như sau.
Mã, số viễn thông quy định được niêm yết trực tuyến trên thị trường để tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số đấu giá.
Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính cho 1 ngày.
Giá khởi điểm để đấu giá mã mạng di động, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin được xác định bằng phí sử dụng 1 năm của mã, số đó.
Trường hợp đấu giá mã mạng di động, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin không thuộc điểm a khoản này do tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đấu giá thì giá khởi điểm để đấu giá bằng phí sử dụng 5 năm của mã, số đó.
Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ mã, số viễn thông trúng đấu giá cho người trúng đấu giá. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để người trúng đấu giá sử dụng dịch vụ viễn thông gắn với số thuê bao đã trúng đấu giá;
Mã mạng di động, số thuê bao di động, số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin sau 2 lần đấu giá không thành thì được phân bổ trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp theo quy định.
Tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp tiền cấp quyền sử dụng bằng phí sử dụng 1 năm của mã, số đó và nộp phí sử dụng mã, số viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.