Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày làm việc để tiến hành thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong ngày làm việc, Quốc hội đã nghe báo cáo và xem video clip của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời, đây cũng là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Kế thừa và phát huy kết quả thực hiện các chương trình này, Quốc hội đã tiếp tục ban hành 3 Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế – xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước.
Nghị quyết số 47/2022/QH15, ngày 6/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 đã xác định chương trình giám sát năm 2023 quyết định lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này. Đây là chuyên đề cần thiết, nhằm nhận diện đầy đủ những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và tháo gỡ kịp thời, giúp việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát tổng hợp 3 chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện vào giữa nhiệm kỳ, thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ.
Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm trong báo cáo giám sát, đặt biệt là về vai trò, ý nghĩa, mối quan hệ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước với giai đoạn này và giữa 3 chương trình của giai đoạn này; tính phù hợp, khoa học trong việc xác định đối tượng, địa bàn, nội dung chính sách, tiêu chí, các chỉ tiêu đạt được thực chất về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra các đại biểu cho ý kiến về tính phù hợp và những bất cập hạn chế của những bộ máy, tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu; kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về 3 chương trình này; tính kịp thời, đầy đủ, rõ ràng của các văn bản hướng dẫn… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Tham gia tranh luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết, việc chậm giải ngân vốn năm 2022, 2023 có một số nguyên nhân, do việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương còn chậm, phương thức phân bổ vốn còn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động của địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách, phân bổ ngân sách trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án, phân bổ vốn đến từng dự án thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nếu không thống nhất thì phải điều chỉnh lại các chương trình, dự án, kế hoạch, làm kéo dài thời gian. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn đang vướng mắc, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, việc sửa đổi các văn bản bất cập cũng mất nhiều thời gian, dẫn đến việc thực hiện chính sách có độ trễ, việc phân cấp, trao thẩm quyền cho địa phương gắn với một số văn bản chưa rõ ràng, dẫn tới lúng túng và thời gian thực hiện còn chậm.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, quá trình giám sát đã tác động tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành. Về Nghị quyết giám sát chuyên đề, Quốc hội yêu cầu hoàn chỉnh Nghị quyết giám sát. Trong đó, Chính phủ có các giải pháp để cân đối, bố trí đủ ngân sách chương trình theo các Nghị quyết Quốc hội, đồng thời cân đối thêm như Nghị quyết Quốc hội ở các nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn những vấn đề thuộc thẩm quyền để tháo gỡ và thực hiện tốt hơn các cơ chế hỗ trợ sản xuất cộng đồng và sản xuất theo chuỗi, cơ chế về vốn đối ứng và cơ chế đặc thù đối với các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, nội dung đặc thù một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua thực chất hơn, nhất là phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta; rà soát mô hình tổ chức của các Ban chỉ đạo, văn phòng, bộ phận giúp việc của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, xã, phường ban hành các loại sổ tay hướng dẫn tổ chức tốt hoạt động truyền thông, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, cập nhật đầy đủ số lượng giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.