Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Trong phiên thảo luận sáng tại hội trường, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, sau khi tiếp thu, dự thảo luật đã được chỉnh lý có 34 điều (tăng 3 điều do bổ sung 1 điều về giải thích từ ngữ và tách Điều quy định về bố trí lực lượng, chức danh, công nhận chức danh, thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự thành 3 điều luật riêng). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn 3 thành phần gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng.
Góp ý về quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại Điều 5, đại biểu cho biết, tại Khoản 2 quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo sự phân công, chỉ đạo của công an cấp xã phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi sau đây: Phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; phối hợp với đoàn thể, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn về an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mỗi lực lượng trong quy định này phải chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan khác nhau. Vì vậy, cần làm rõ cơ chế phối hợp, xác định rõ lực lượng chủ trì trong quan hệ phối hợp công tác này để đảm bảo các chủ thể dễ triển khai khi thực hiện nhiệm vụ, xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề mất an ninh, trật tự trên địa bàn, đồng thời phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của thế trận an ninh nhân dân.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, quy định về tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ chi của địa phương; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là chưa phù hợp.
Theo đại biểu, nội dung chi và số tiền phải chi cho lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở là rất lớn. Điều 29 quy định Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Công an, địa phương thực hiện đề nghị chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy còn chưa rõ. Thực tiễn, nhiều địa phương khó cân đối ngân sách, không có nguồn chi theo những quy định này. Nếu không có hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc các cơ quan hữu quan thì các quy định này sẽ không đảm bảo khả thi trong thực tiễn.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Luật đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội quy kỳ họp…
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án phải có cam kết thực hiện cụ thể. Đối với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu bày tỏ đồng tình việc ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ về tỷ lệ góp vốn, tính toán kỹ lưỡng đối với từng dự án cụ thể. Nội dung phân cấp phân quyền thực hiện các dự án giao thông cần ghi rõ giao cho các địa phương có đủ điều kiện và phải xây dựng rõ các tiêu chí để đánh giá cụ thể.
Đối với cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu phải xem xét lại cách dùng từ ngữ không vi phạm vào Luật Khoáng sản, vì không thể dùng từ khoáng sản làm vật liệu thông thường. Theo đó, nên chuyển thành nội dung khai thác đất đá tại các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường. Đại biểu nhấn mạnh đây là nội dung rất thiết thực đối với các địa phương có mỏ khoáng sản. Đơn cử như Quảng Ninh với lượng đất đá thải mỏ sau khai thác than rất lớn, nếu được sử dụng làm vật liệu thì sẽ hỗ trợ tích cực cho việc triển khai các dự án. Đối với các dự án thực hiện phải đưa ra hệ quy chiếu xem xét cụ thể, rõ tiêu chí, điều kiện.
Tham gia góp ý vào các nội dung dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần nghiên cứu tách gói giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công tư và sử dụng ngân sách cho gói giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư. Tại điều 5 về thẩm quyền dự án cao tốc qua các địa phương, đại biểu đồng tình việc tăng cường phân cấp vì các địa phương sẽ căn cứ các điều kiện nội tại, nắm sát địa bàn để tăng hiệu quả đầu tư, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, bên cạnh phân cấp thì cần tăng cường việc giám sát và có cơ chế kiểm soát, cơ chế chịu trách nhiệm… Đối với điều 7 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường, đại biểu đề xuất, ngoài dự án hạ tầng giao thông cần xem xét đến các dự án tái định cư được sử dụng nguồn vật liệu này…
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều ý kiến làm rõ các nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ngày 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.