Ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trong phiên thảo luận sáng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại tổ số 9 cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh: Nam Định, Phú Yên, Bến Tre. Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế – xã hôi đất nước qua nội dung báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, báo cáo cần đánh giá kỹ hơn các chỉ tiêu đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt các dự báo thay đổi liên tục, cần có đánh giá kỹ hơn để thấy được nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương.
Báo cáo đã thẳng thắn chỉ ra các chỉ tiêu không đạt. Trong đó, tăng trưởng không đạt, nhưng phải nhìn nhận trên góc độ không đạt tăng trưởng bằng mọi giá mà cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiêu dùng trong nước năm 2023 tăng không đáng kể cần xác định nguyên nhân là do đâu. Trong đó phải đánh giá tình hình doanh nghiệp không có thị trường, lao động không có việc làm, không có thu nhập. Theo đó, cần phải tiếp tục tăng cường các giải pháp thảo gỡ để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Trước mắt là việc giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân. Cùng với đó, phải chú trọng chính sách tài khóa; tháo gỡ vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với kế hoạch năm 2024, theo đại biểu để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì phải cố gắng rất lớn, có sự đánh giá kỹ bối cảnh tác động. Trong đó có nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng theo tinh thần của Văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Đồng thời, tiếp cận rộng hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Trí tuệ nhân tạo, big data, điện toán đám mây; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác quản trị, thực thi của bộ máy chính quyền.
Đề cập về tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên việc thực hiện một số nội dung Nghị quyết vẫn còn chậm, chưa hiệu quả như việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã mới giải ngân được 791 tỷ trong 40 nghìn tỷ đồng. Đại biểu cho rằng việc hỗ trợ cần tiếp tục triển khai. Chính phủ cần bổ sung phân tích, đánh giá hiệu quả tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 43 trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết ngày 31/12/2023); bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng giải pháp về chính sách tài khóa sẽ đem lại hiệu quả nhưng có vấn đề là nợ công tăng. Do vậy, trong giải pháp này cần lưu tâm đến việc kiểm soát tránh lãng phí, vấn đề thủ tục hành chính.
Cũng trong phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đại biểu đề nghị cần làm rõ và phân tích các nguyên nhân: Giao vốn chậm, giao không hết vốn, khâu chuẩn bị dự án đầu tư, vướng về cơ chế chính sách, vấn đề phân cấp cho địa phương, giải phóng mặt bằng… Trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần quan tâm đến việc hỗ trợ tiếp cận vốn, đơn hàng. Trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân cần có điều tra thống kê xem tình hình lao động việc làm đang hạn chế như thế nào, để có giải pháp, đề án nâng cao đời sống cho người dân.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ nguyên nhân của hạn chế trong báo cáo của Chính phủ là chất lượng cán bộ, sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra lại không có giải pháp để khắc phục vấn đề nhân lực sợ trách nhiệm. Do đó, đại biểu đề nghị cần đưa giải pháp này vào nội dung báo cáo. Bên cạnh đó, vấn đề tinh giảm biên chế hiện nay cũng cần đánh giá chất lượng cán bộ với khối lượng công việc xem có quá tải không.
Trong phiên làm việc tại Hội trường Quốc hội chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và tiến hành thảo luận. Đồng thời, nghe Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Tham gia biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử có 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn và thảo luận tại hội trường về một số dự án luật.