Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong phiên chất vấn buổi sáng, sau khi kết thúc nội dung chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến chất vấn và đề nghị làm rõ các vấn đề như: Giải pháp giải quyết vấn đề pháp lý đối với người dân di dân tự phát tại Tây Nguyên; việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; việc xây dựng vị trí việc làm; trách nhiệm và giải pháp trong xây dựng thể chế; cải thiện lương của nhân viên trường học; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; chính sách đối với nhà giáo; nâng cao chất lượng kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; giải quyết tình trạng lộ lọt thông tin của người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; điều tra các vụ án tham nhũng để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; thực hiện hiệu quả báo cáo của Kiểm toán Nhà nước…
Các nội dung chất vấn của đại biểu đã được: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước tham gia trả lời, giải trình, làm rõ. Tham gia trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng tình với các nhận định được các đại biểu đưa ra và nhận khuyết điểm trong việc có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày Luật có hiệu lực và cho biết thời gian tới sẽ cố gắng từng bước khắc phục.
Về giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Đồng thời, trong bối cảnh xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì hiện cũng có những quy định cần tiếp tục sửa đổi.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng hiện nay cần đẩy mạnh phân cấp. Nhưng khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không cũng là vấn đề được cân nhắc. Do đó, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra giám sát tăng cường kỉ luật kỉ cương hành chính và chuyển đổi số. Về nhận định “tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu”, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
Tiếp tục phiên làm việc, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm lĩnh vực văn hóa – xã hội. Đặt câu hỏi tại hội trường, các đại biểu đã gửi đến những nội dung được cử tri và dư luận quan tâm như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác y tế; có cần thiết thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp trung học phổ thông; kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết những trăn trở, vướng mắc của đội ngũ giáo viên hiện nay; việc định hướng và chính thống hóa các trang fanpage của các tổ chức, cơ quan; giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng bạo lực học đường; làm rõ hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; việc triển khai giải pháp hỗ trợ sinh kế cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19; giải pháp xử lý việc quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định… Bộ Trưởng các Bộ: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông đã tham gia trả lời, làm rõ những nội dung chất vấn của đại biểu.
Ngày 8/11, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn nhóm lĩnh vực văn hóa – xã hội.