Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024…
Trong phiên làm việc sáng, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những cố gắng của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng cũng còn những nguyên nhân chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chủ yếu là do 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng cũng đề nghị đánh giá thêm các nguyên nhân khác để rút kinh nghiệm. Đại biểu đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm trong việc tăng, giảm tổng mức đầu tư, diện tích sử dụng đất kéo dài thời gian thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát và đề nghị kịp thời xử lý các vướng mắc đối với dự án trọng điểm.
Đa số các đại biểu thống nhất cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị đánh giá kỹ tính khả thi khi chỉ cho phép kéo dài việc thực hiện đến hết năm 2024. Mặt khác, đánh giá rõ việc điều chỉnh thời gian thực hiện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2025 đưa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội thống nhất với thẩm quyền và sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, còn có một số ý kiến quan ngại, chưa đồng thuận việc ban hành một số chính sách, băn khoăn về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, tiêu chí thí điểm để thực sự lựa chọn được những dự án cấp bách, cần thiết, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Mặt khác, cần hoàn thiện bổ sung nguyên tắc tiêu chí liên quan đến năng lực quản lý của địa phương, nguồn vốn thực hiện dự án, cơ quan đề xuất dự án thí điểm, trách nhiệm triển khai chính sách thí điểm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tại kỳ họp. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Tiếp tục phiên làm việc, sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về nội dung dự án luật này. Tham gia thảo luận, các ĐBQH đoàn Quảng Ninh thống nhất việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc giải thích, làm rõ quyền tư pháp trong nội dung dự án luật là phù hợp và cần thiết. Đối với quy định đổi mới ngạch bậc của thẩm phán tại điều 91, đại biểu đồng tình với việc quy định 2 ngạch bậc là thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao và thẩm phán là phù hợp với công tác của Tòa án các cấp. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của dự thảo luật Liên quan đến nhiệm kỳ của thẩm phán.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao; tổ chức lại bộ máy giúp việc của tòa án nhân dân cấp cao; việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; quy định không tiến hành thanh tra, điều tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng…