Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đồng thời, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Trong phiên làm việc sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,13 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tiếp đến, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết xây dựng dự án luật và nội dung nhiều điều, khoản trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời khắc phục những hạn chế tiêu cực hiện nay trong lĩnh vực đấu giá tài sản, đảm bảo công khai, minh bạch, lành mạnh.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Sau đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 386 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 78,14 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tiến hành thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong việc tiếp thu ý kiến thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ và qua thảo luận tại hội trường. Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng xem xét, đánh giá và phân tích kỹ kỹ những vấn đề cụ thể, bổ sung nhiều vấn đề, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật theo hướng cần bổ sung một điều áp dụng pháp luật để xử lý xung đột giữa Luật này với các luật khác, vừa thể hiện rõ bảo đảm tính ưu tiên, đột phá, đặc thù nhưng cũng vừa phải bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung một điều về đối tượng điều chỉnh, giải thích một số từ ngữ chuyên môn cho rõ hơn…
Trên cơ sở các ý kiến đại biểu, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Tổng thư ký Quốc hội sẽ có Báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển tới các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.