Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đến với Quế Trân sau 12 năm cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Ở tuổi 42, cô là nữ nghệ sĩ cải lương trẻ tuổi nhất nhận danh hiệu cao quý.
Theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Ở lĩnh vực cải lương, NSƯT Quế Trân là nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng NSND, ở tuổi 42.
Hiện, thông tin con gái của NSND Thanh Tòng, hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc cải lương tuồng cổ lừng lẫy Bầu Thắng – Minh Tơ, được tặng danh hiệu NSND được giới nghệ sĩ lẫn công chúng chú ý.
Con nhà nòi của gia tộc cải lương nổi tiếng
Là con gái của NSND Thanh Tòng, từ nhỏ Quế Trân quen sống với cảnh “nay đây mai đó”, theo cha rong ruổi khắp các đoàn hát, thấm trong người từng điệu lý, bài bản đến câu vọng cổ.
Đó là lý do Quế Trân mạnh dạn bước lên sân khấu từ năm 8 tuổi, với cái mác “hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ”. Nói về cơ duyên đến với nghề diễn, nữ nghệ sĩ nói: “Ngày nào tôi cũng ngồi trong cánh gà xem sân khấu sáng đèn. Nhờ vậy tôi học được nghề, từ lời ca tiếng hát đến điệu bộ”.
Từ những vai đào con, giả trai đóng kép con từ sân khấu cải lương đến xuất hiện trong các video cải lương, Quế Trân ngày càng giỏi nghề.
Cho đến năm cô 18 tuổi.
Trên sân khấu tranh giải nghệ sĩ triển vọng, cô gái 18 tuổi lột xác với vai Thiên Kiều công chúa trong vở Trắng hoa mai. Vai diễn giúp cô giành giải Huy chương vàng Triển vọng Trần Hữu Trang năm 1999. Năm đó, cô đoạt giải cùng NSƯT Hữu Quốc.
“Lúc đó, cha không tạo áp lực mà chỉ yêu cầu tôi thi để cọ xát. Ba luôn nhắc tôi phải tập luyện, để đứng trên sân khấu lớn dạn dĩ hơn. Sau khi thắng giải, cảm xúc của tôi vỡ òa. Cha tôi khóc trước hàng nghìn khán giả ở rạp hát Hòa Bình. Lúc đó tôi mừng lắm vì không làm hổ danh cha”, cô nhớ lại.
Sau khi giành giải, Quế Trân ý thức cô phải theo và giữ nghề. “Từ đời ông, bà, cha mẹ đến tôi là đời thứ năm đều thành danh. Tôi phải làm sao cho xứng đáng, nối nghiệp gia đình”, cô nói trong một lần phỏng vấn.
Nhớ lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương, Quế Trân rong ruổi khắp các đoàn hát, cô nói có ngày cô đi hát 8-10 show, nhất là ngày lễ, Tết. “Tôi đi hát không quan trọng tiền bạc. Có những lần tôi đi hát ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn. Bà con muốn xem phải canh 3-4 tiếng, có những ngày ngập lụt họ cũng đi. Mỗi khi đi diễn, tôi được cho đòn bánh tét cũng vui. Tôi không bao giờ quên những điều đó”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Từ vai đào con Na Tra trong Na Tra đại náo thủy cung, cho đến Phương Thảo ở Nhảy múa với quỷ dữ, Ngọc Hân trong Trời Nam, Nga trong Khúc ly hương, Phi Long công chúa trong Xử án Bàng Quý Phi… Quế Trân để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
Sau khi NSND Thanh Tòng qua đời năm 2016, Quế Trân suy sụp, muốn bỏ nghề. “Cha tôi qua đời ngay sau đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ (lúc đó cô làm huấn luyện viên – PV). Tôi hụt hẫng rất nhiều và không muốn đi hát”, nữ nghệ sĩ kể.
Nhưng khi nhớ lại bản thân là hậu duệ đời thứ năm của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, bên cạnh sự động viên của mẹ, Quế Trân trở lại nghề, tiếp tục truyền thống của gia đình.
Dấu ấn cô đào cải lương trẻ tuổi nhất được phong NSND
So về sắc vóc, hiếm ai trong giới nghệ sĩ thế hệ sau 1975 đọ lại Quế Trân. Cô đào sinh năm 1981 có vóc dáng thon, mái tóc dài tự nhiên. Xuất thân từ lò đào tạo Đồng ấu Bạch Long, được chính cha là “đệ nhất kép Hồ quảng” dạy vũ đạo, vóc dáng của cô khi bước lên sân khấu được khen lả lướt như múa, nhất là khi Quế Trân đóng tuồng cổ, vai đào lẳng, công chúa.
Gần đây, ở tuổi 42, Quế Trân vẫn mượt mà khi vào vai cô đào hát với nỗi oan ngoại tình. Nhìn nữ nghệ sĩ trên sân khấu, lúc yểu điệu với hình tượng công chúa Ngọc Hân, khi mượt mà với bộ áo bà ba khi trở lại làm đào hát, khán giả phải đồng ý rằng Quế Trân “không biết già” khi lên sân khấu.
Trong đại gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ, so về giọng hát, cô chưa bằng NSƯT Tú Sương – con gái nghệ sĩ Thanh Loan, Trinh Trinh – con gái nghệ sĩ Xuân Yến (nghệ sĩ Thanh Loan và Xuân Yến là em gái của NSND Thanh Tòng). Nhưng nếu về khả năng đa dạng để gắn bó với nghệ thuật, Quế Trân lại nhỉnh hơn.
Từng hợp tác với Quế Trân trong vở Khúc ly hương, có lần nghệ sĩ Thanh Kim Huệ chia sẻ: “Quế Trân được trui rèn tay nghề từ chiếc nôi nghệ thuật đồng ấu Bạch Long. Từ đó, cô được đại gia đình rèn luyện, bằng nỗ lực và tiến bước trên con đường đã chọn”.
Trong khi đó, soạn giả Lê Duy Hạnh nhận xét Quế Trân luôn nỗ lực hết mình để có được thành quả. “Cô là điển hình của nghệ sĩ không ngừng trau dồi kiến thức, tài năng bước ra từ giải Trần Hữu Trang. Trong đại gia đình Minh Tơ, Quế Trân là hạt nhân cho ý chí vươn lên, từng bước tạo uy tín, nhận được tình yêu thương của khán giả”, soạn giả đánh giá.
Hơn 30 năm đứng trên sân khấu cải lương, Quế Trân có nhiều thành tựu. Với giải thưởng lớn đầu tiên trong sự nghiệp là HCV Triển vọng Trần Hữu Trang 1999, sau đó là HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, HCV Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2002, nhiều năm liền đoạt giải Mai Vàng…
Không đóng khung ở lĩnh vực cải lương, cô lấn sân sang làm MC và được khán giả đón nhận. Cô còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, tham gia công tác xã hội, từ thiện, tổ chức và tham gia nhiều buổi diễn phục vụ công nhân, nông dân, học sinh và sinh viên.
Năm 2016, Quế Trân gây xúc động khi dành toàn bộ tiền phúng điếu NSND Thanh Tòng ủng hộ nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn theo tâm nguyện của cha. Cô và mẹ tận tay trao tiền cho 100 nghệ sĩ, công nhân tại Hội sân khấu TPHCM.
Từ nghệ sĩ cải lương, diễn viên và là công dân tiêu biểu, đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM hai khóa liên tiếp, danh hiệu NSND đến với Quế Trân là thành quả cho nỗ lực và cống hiến.
Sắp tới, Quế Trân tranh giải Mai Vàng hạng mục Nữ diễn viên sân khấu với vai Cầm Thanh trong Cô đào hát, cạnh tranh Lê Khánh với vai Giáng Hương trong Giáng Hương – Sân khấu về khuya và Tú Sương vai Bùi Thị Xuân trong Ngược dòng Tây Sơn.
Với lượng người hâm mộ đông đảo, khán giả dự đoán chiến thắng Mai Vàng lần thứ 29 thuộc về cô đào trẻ tuổi nhất giới cải lương được phong NSND – Quế Trân.