Không phát triển thêm sản phẩm mới, thời gian qua, Quảng Yên chủ trương nâng cấp và duy trì tốt các sản phẩm du lịch hiện có, đảm bảo khai thác tốt các lợi thế và phù hợp với thực tế địa phương.
Theo Đề án phát triển sản phẩm du lịch TX Quảng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương sẽ có 5 loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo, gồm: Du lịch tâm linh, văn hoá – lịch sử – kiến trúc, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch ẩm thực và du lịch MICE theo hướng bền vững.
Quảng Yên hiện có 3 tuyến, 11 điểm du lịch đã được công nhận, đưa vào khai thác phát triển. Thời gian qua, thị xã đã định hướng và mời gọi đầu tư xây dựng được 3 khách sạn tiêu chuẩn 1 sao; 1 khách sạn tiêu chuẩn 2 sao; thẩm định và công nhận 50 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, với tổng số 500 phòng nghỉ, có thể đáp ứng phục vụ từ 1.000 – 1.500 khách nghỉ/ngày đêm. Thẩm định, hướng dẫn nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ cho 20 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với công suất phục vụ từ 3.000 – 3.500 lượt khách ăn/ngày. Trong đó, có 3 nhà hàng đã được cấp biển hiệu “Nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” cấp tỉnh; 17 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cấp địa phương.
Cùng với đó, địa phương đã đầu tư làm biển chỉ dẫn vào các tuyến, điểm du lịch, di tích trên các trục đường cao tốc, cửa ngõ vào thị xã để giới thiệu, hướng dẫn du khách (áp dụng công nghệ số định vị trên google map – bản đồ số du lịch). Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường: Quảng Yên, Phong Cốc, Nam Hòa, Phong Hải, Cộng Hòa, Hiệp Hòa, Tiền An, Liên Hòa hướng dẫn các làng nghề truyền thống làm các sản phẩm thủ công, như: Lờ, đó, mô hình thuyền nan, thuyền gỗ, làm bánh gio, bánh dày, bánh đa, bánh mật, nem chua… xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để làm sản phẩm phục vụ du lịch. Nghiên cứu đưa các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, như: Hát đúm, “Ba giá đồng”, hát chèo, hò biển vào phục vụ du khách ở các tuyến, điểm du lịch và lễ hội trên địa bàn.
Thị xã cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng 35 nhà hàng karaoke đạt chuẩn; 15 điểm kinh doanh cafe, giải khát phục vụ khách du lịch; 1 sân vận động trung tâm thị xã; 1 nhà thi đấu đa năng; 4 sân pickleball; 2 sân bóng đá mi ni và 2 bể bơi hiện đại cùng với hệ thống chợ, siêu thị, các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch khi đến với Quảng Yên… Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, mở rộng không gian kết nối phát triển du lịch với các địa phương trong tỉnh, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành ở trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Thời gian qua, thị xã đã tập trung xây dựng nhiều điểm du lịch, di tích, lễ hội, như: Tuyến phố ẩm thực “Sông Chanh Bến Ngự”, di tích quốc gia đình Phong Cốc gắn với tổ chức Lễ hội Xuống đồng, di tích quốc gia miếu Tiên Công gắn với Lễ hội Tiên Công, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng gắn với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng… đã trở thành mô hình điểm của tỉnh trong phát huy giá trị di sản trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, là thương hiệu riêng có của Quảng Yên.
Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến với thị xã có sự phục hồi và tăng trưởng nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Cụ thể, nếu như năm 2021, chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19, thị xã chỉ đón 260.000 lượt khách, doanh thu đạt 169 tỷ đồng thì 3 năm gần đây, lượng khách đã phục hồi dần. Năm 2024, Quảng Yên đón khoảng 650.000 lượt du khách, doanh thu đạt 420 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng đó, năm nay Quảng Yên đặt mục tiêu đón 660.000 lượt khách, doanh thu 429 tỷ đồng.
Một tín hiệu đáng mừng với Quảng Yên là một trong những nội dung được tỉnh nhấn mạnh trong Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025 là đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước, để tham quan và tìm hiểu văn hoá, lịch sử về truyền thống yêu nước, giữ gìn chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Qua tìm hiểu cho thấy, thời gian qua, Dự án Bảo tồn và Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng vì nhiều lý do nên việc triển khai rất chậm chạp. Vì vậy, việc tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này mang tới hy vọng trong thúc đẩy tiến trình đầu tư hoàn thành dự án, góp phần phát huy, khai thác tốt một quần thể di sản có giá trị bậc nhất trên địa bàn, đồng thời cũng là hợp phần di sản nằm trong Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Thời điểm này, thị xã đã và đang lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hoá – thể thao, nghệ thuật, triển lãm và các lễ hội xuân trên địa bàn. Là vùng đất của di tích và lễ hội, mùa xuân cũng là thời điểm các di sản của Quảng Yên thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách bốn phương về dâng lễ, tham quan, vui chơi trong không khí rộn ràng của năm mới. Trong đó, có thể kể tới một số lễ hội tiêu biểu, như: Lễ hội Cầu ngư, lễ hội Tiên Công, lễ hội chùa Giữa Đồng, lễ hội đại kỳ phúc làng Cốc, làng Yên Đông, lễ hội đình Hưng Học, đình Yên Đông, Lưu Khê, lễ hội Bạch Đằng…
Riêng với lễ hội Tiên Công năm nay kỷ niệm 591 năm các Tiên Công khai canh mở đất (1434-2025), thị xã sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức Đoàn rước tập thể và Đoàn rước cá nhân, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tiên Công, nét đẹp văn hóa “rước cụ Thượng thọ” là linh hồn, nét đặc sắc nhất trong lễ hội…