Tuy diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) không lớn, song Quảng Yên lại là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi riêng có trong ngành NTTS. Thực tế, ngành này đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời đã và đang có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH của thị xã. Song, ngành NTTS trên địa bàn thị xã vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững và chưa phát huy được lợi thế sẵn có. Hiện thị xã đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển NTTS, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Lợi thế nuôi biển
Quảng Yên có bờ biển chạy dài hơn 30km với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều cửa sông, bãi triều và vùng biển nằm trong vịnh kín và là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị cao. Khả năng khai thác thuỷ sản các loại có thể đạt hơn 10.000 tấn/năm, trong đó riêng vùng triều có thể khai thác được 3.000 tấn. Quảng Yên còn có điều kiện vươn ra để khai thác ở các ngư trường lớn thuộc vịnh Bắc Bộ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ… với khả năng khai thác từ 40.000-50.000 tấn/năm.
Nơi đây cũng có diện tích đầm phá rộng gần 12.300ha tập trung ở khu vực cửa sông Bạch Đằng như Đầm Nhà Mạc, Cái Tráp, đảo Quả Xoài và các khu vực Hà An, Hoàng Tân… Diện tích bãi triều, đầm phá được chia thành 2 loại: Trong đê và ngoài đê. Đất thủy sản trong đê ít bị biến đổi do các tác nhân tự nhiên và được sử dụng để NTTS, diện tích đất ngoài đê thường xuyên bị biến động nên phù hợp với khai thác tự nhiên, trồng rừng ngập mặn và nuôi nhuyễn thể lồng bè và bãi triều (hàu cửa sông, hà sú, ngao, sò).
Trên địa bàn hiện có 6 cơ sở sản xuất giống thủy sản cho các hộ nuôi, như: Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn, Công ty CP Thuỷ sản Tân An; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật Thủy sản (cơ sở 2); Trạm thực nghiệm – Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh; Công ty Thuỷ sản Tất Thành và Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh. Ngoài các cơ sở tham gia trực tiếp hoạt động nuôi biển còn có các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, dịch vụ hậu cần.
Theo số liệu thống kê của UBND thị xã, tốc độ tăng trưởng và sản lượng NTTS trong đó có nuôi biển ngày càng tăng. Giai đoạn 2015-2020, sản lượng nuôi trồng toàn thị xã tăng 1,2 lần/năm, trung bình đạt 12.360 tấn/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hải sản đạt trên 33.000 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 11,8% cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: “Với vị trí nằm ven biển, nghề NTTS trên biển đã và đang là sinh kế của hàng nghìn ngư dân trên vùng biển của Quảng Yên. Hoạt động nuôi trồng đã giải quyết việc làm, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của người dân. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp theo định hướng chung của thị xã là tăng tỷ trọng ngành thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt và chăn nuôi”.
Để nuôi trồng thủy sản “sống khỏe”
Số liệu thống kê gần đây nhất của UBND TX Quảng Yên cho thấy, sản lượng, giá trị sản xuất của ngành NTTS trên địa bàn hiện tăng đều qua các năm. Ngành thuỷ sản đã góp phần làm chuyển đổi cơ cấu và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp. Thuỷ sản nói chung đóng góp tỷ trọng lớn (hơn 50%) vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cụ thể năm 2022 giá trị thuỷ sản đạt 1.346 tỷ đồng, chiếm 56% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Người dân địa phương chủ động chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang NTTS, bước đầu hình thành được các vùng nuôi tập trung. Sản phẩm nuôi biển của địa phương, cụ thể là hàu cửa sông đã và đang là sản phẩm được người tiêu dùng tại địa phương, thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc đánh giá cao.
Song, so với tiềm năng và thế mạnh của địa phương thì ngành nuôi biển hiện vẫn chưa phát huy được những lợi thế sẵn có, thiếu tính bền vững. Đặc biệt, diện tích cho NTTS trên địa bàn đang dần bị thu hẹp trong khi mật độ lồng nuôi, ô nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi. Người dân tham gia sản xuất mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết các vùng biển dẫn đến thực trạng vị trí một số điểm nuôi đang nằm chồng lấn quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp.
Điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế nên tính hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Việc kết nối sản xuất với tiêu thụ cũng gặp khó khăn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có thủy sản còn ít. Thị trường vật tư, lao động đầu vào ngày càng tăng trong khi giá sản phẩm đầu ra thấp, còn tình trạng được mùa, rớt giá v.v..
Để hướng đến mục tiêu phát triển NTTS trên biển Quảng Yên trở thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, TX Quảng Yên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, tập trung xây dựng đề án phát triển NTTS trên biển trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu đến năm 2025, thị xã sắp xếp lại khoảng 20.000 bè nuôi hàu hà và có khoảng 66 hộ nuôi cá biển với tổng số khoảng 4.560 ô lồng. Tổng sản lượng nhuyễn thể đạt khoảng 70.000 tấn, cá biển đạt khoảng 1.200 tấn. Giá trị sản xuất từ nuôi nhuyễn thể đạt trên 800 tỷ đồng và từ nuôi cá biển đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1.000 lao động tại chỗ.
Đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. 100% bè nuôi được gắn mã số vùng nuôi và áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. 100% rác thải từ các hoạt động NTTS được thu gom, xử lý. Triển khai đề án, thị xã cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất (khu tập kết thu gom rác thải từ NTTS, phao tiêu, cột mốc; phân luồng lạch cho các vùng nuôi); xác định và tập trung phát triển những đối tượng nuôi chủ lực của thị xã; hình thành các chuỗi sản xuất nhuyễn thể và cá biển (>70% các cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị). Thị xã xây dựng các mô hình nuôi cá biển ứng dụng công nghệ cao, gắn kết với các dịch vụ; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường tự động phục vụ cho nuôi biển…