Là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, với trên 200 năm hình thành và phát triển (1802-2024), Quảng Yên có nhiều nét đặc sắc, thế mạnh về văn hóa, con người làm nền tảng để trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước
Phường Yên Hải có nhiều phong tục, tập quán được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những tập quán này theo thời gian đã không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại. Bởi vậy, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, đưa hương ước, quy ước vào đời sống nhân dân. Đến nay, phường Yên Hải đã 3 lần sửa đổi hương ước, quy ước, gần nhất là đầu năm 2024.
Theo Chủ tịch UBND phường Yên Hải Nguyễn Quang Lượng, địa phương đã tổ chức lấy ý kiến của người dân; tiến hành thẩm định, lập hồ sơ công nhận hương ước, quy ước mới. Tháng 7 vừa qua, phường đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn dựa trên 6 giá trị cốt lõi, 8 giá trị văn hóa. Trong đó có nhiều nét mới về văn hóa ứng xử, chuyển đổi số… Đến nay, 98% người dân trên địa bàn đã chuyển đổi sang sử dụng sim điện thoại 4G; 100% hộ dân cài đặt định danh điện tử mức độ 2; khoảng 60% người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các di tích trên địa bàn đã được tạo mã QR phục vụ người dân, du khách.
“Việc áp dụng hương ước, quy ước đã làm thay đổi nhiều phong tục cũ tại các gia đình, nhất là việc các cụ già không còn giữ tư tưởng phong kiến. Hoạt động hiếu hỷ được tổ chức văn minh, tiết kiệm; công tác vệ sinh môi trường được thực hiện định kỳ hằng tuần. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư” – Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 5 (phường Yên Hải) Vũ Thành Sơn chia sẻ.
Đầu năm 2024, TX Quảng Yên triển khai chỉnh sửa, bổ sung hương ước, quy ước, tập trung vào 6 giá trị cốt lõi: “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc” và 8 phẩm chất, giá trị con người Quảng Ninh: “Bản lĩnh, tự cường, kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh”. Đưa các tiêu chí xây dựng văn hóa, con người Quảng Yên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thôn, khu phố không có tệ nạn ma túy; tiêu chí xã hội số, công dân số vào hương ước để phát động phong trào thi đua trong từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện hằng năm.
Đến nay 19/19 UBND xã, phường của TX Quảng Yên đã ban hành kế hoạch hướng dẫn các thôn, khu phố triển khai thực hiện; 179/179 thôn, khu phố đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, trong đó có nội dung thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy để thực hiện.
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, TX Quảng Yên đã chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị, xã, phường trên địa bàn xây dựng, triển khai thực hiện chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. 100% cơ sở giáo dục thực hiện các tiêu chí văn hóa trong trường học. 90% doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.
Hiện 100% học sinh phổ thông các cấp đã và đang được tiếp cận giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% trường học tổ chức đưa học sinh tới tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, Bảo tàng Bạch Đằng; một số trường đã tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng, Thư viện tỉnh. Thị xã cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ CLB Hát đúm triển khai truyền dạy hát đúm cho học sinh trong các trường học vào tiết học ngoại khóa, đặc biệt là các trường học ở khu vực Hà Nam.
Toàn thị xã có hơn 200 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng gồm 11 điểm di tích được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nhằm phát huy tối đa giá trị của các di tích, thị xã đã và đang phối hợp triển khai số hóa di tích, di sản văn hóa trên địa bàn; triển khai lập hồ sơ khoa học xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đình Cốc (phường Phong Cốc); thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đồ án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Chiến thắng Bạch Đằng báo cáo UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực xã hội tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn, như: Lễ hội cầu ngư, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội xuống đồng và các lễ hội làng năm 2024 với tổng kinh phí xã hội hóa trên 12 tỷ đồng.
Đi đôi với đó, thị xã quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Cụ thể, đã lập chủ trương đầu tư nâng cấp nhà văn hóa thị xã với kinh phí 15 tỷ đồng; lập dự án cải tạo, chỉnh trang Trung tâm VH-TT Bắc cầu sông Chanh với kinh phí 87,9 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã xây mới 18 nhà văn hóa, sửa chữa 92 nhà văn hóa thôn, khu phố; xây mới 9 nhà vệ sinh tại các khu vực công cộng…
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VH-TT thị xã, cho biết: Nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, các quy hoạch, đề án và kế hoạch trong lĩnh vực văn hóa đã được rà soát thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa dần được hoàn chỉnh, đáp ứng các tín ngưỡng, tôn giáo, vui chơi, giải trí và gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đầu tư và phát triển; các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương được quan tâm giữ gìn. Trình độ dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân hướng cuộc sống tới các giá trị chân – thiện – mỹ.
Ngô Dịu