Những năm qua, TX Quảng Yên luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn, nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này cho công tác phát triển du lịch.
Quảng Yên có 219 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng với 11 điểm di tích và được xếp hạng là Di tích quốc đặc biệt, 34 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội Tiên Công, lễ hội truyền thống Bạch Đằng, lễ hội Xuống đồng). Ngoài ra, Quảng Yên còn có các lễ hội quy mô cấp vùng như lễ hội cầu ngư, lễ ra cỗ họ của 23 từ đường dòng họ Tiên Công cùng với 70 lễ hội ở các từ đường dòng họ khác mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là nhiều công trình kiến trúc công sở, nhà ở, đường sá, cống tiêu từ thời thuộc Pháp còn giữ nguyên vẹn tạo nên những khu phố cổ như phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du…
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã, cho biết: Quảng Yên hiện đã hoàn thành kiểm kê các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn và lập hồ sơ hiện vật, hồ sơ quản lý cho 219 di tích. Các di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và xác định ranh giới đất đai, cắm mốc bảo vệ. 92/219 di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các di tích còn lại đang trong lộ trình đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới. Các tuyến, điểm du lịch gắn với di tích được khoanh vùng, phân định ranh giới đất đai theo quy định và được cập nhật đầy đủ trong quy hoạch chung thị xã đến năm 2040.
Thị xã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí phê duyệt các dự án là 564 tỷ đồng, số kinh phí đã triển khai là 460 tỷ đồng. Từ các nguồn kinh phí đã tu bổ cụm di tích đền, chùa Chanh, chùa Giữa đồng, chùa Hang, chùa Quỳnh Biểu; tôn tạo di tích đình Yên Lập, di tích Nghè La, di tích đền Quan Đại; chống xuống cấp định kỳ tại 22 nhà thờ dòng họ Tiên Công…
Đến nay Quảng Yên xây dựng 3 tuyến, 11 điểm du lịch chủ yếu gắn với các di tích lịch sử và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, dựa trên lợi thế của thị xã, như sản phẩm du lịch tâm linh ở Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng; du lịch trải nghiệm cộng đồng ở đình Cốc gắn với Lễ hội Xuống đồng “Cốc cốc đảo Hà Nam”; du lịch trải nghiệm tham quan làng nghề đan ngư cụ Hưng Học…
Quảng Yên đã đầu tư làm biển chỉ dẫn vào các tuyến, điểm du lịch, di tích trên các trục đường cao tốc, cửa ngõ vào thị xã để giới thiệu, hướng dẫn du khách khi đến thị xã. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường hướng dẫn các làng nghề truyền thống, làm các sản phẩm thủ công như lờ, đó, mô hình thuyền nan; xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để làm sản phẩm phục vụ du lịch; nghiên cứu đưa các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian như hát đúm, ba giá đồng, hát chèo, hò biển vào phục vụ khách du lịch và ở các lễ hội.
Hằng năm, thị xã đăng ký tổ chức 20-28 chương trình, sự kiện quảng bá, thu hút du lịch. Ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất, văn hóa, con người Quảng Yên với khoảng 3.250 bài viết, 1.200 clip các loại. Thị xã đã xuất bản 5.000 tập sách ảnh “Du lịch Quảng Yên” bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Năm 2023 đã tổ chức làm phim ký sự 200 tập với chủ đề “Đất nước nhìn từ biển” quay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử – văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch. Qua đó thu hút được đông đảo nhân dân, du khách ở trong và ngoài tỉnh về tham quan di tích, lưu trú tại thị xã.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp trong kết nối di tích với phát triển du lịch, lượng du khách đến với Quảng Yên nói chung, di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn nói riêng đã tăng đều qua các năm. Năm 2022 đón 300.000 lượt khách, năm 2023 đón 350.000 lượt khách, năm 2024 đón 603.000 lượt khách, doanh thu đạt 401 tỷ đồng.