Cuối tháng 10 vừa qua, tại đồi chè thôn 8, xã Quảng Long (huyện Hải Hà) đã tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024, trong đó có các hoạt động như: Rước nước đầu nguồn, rước cây chè cổ thụ… Điều đặc biệt là nguồn nước khởi sinh được lấy từ hồ Trúc Bài Sơn và cây chè cổ thụ đều được mang về từ xã biên giới Quảng Sơn.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, hiện nay trên địa bàn vẫn còn khoảng 3ha cây chè cổ thụ có niên đại hơn 60 năm, tập trung chủ yếu tại thôn 4 của xã. Khi du lịch vào Quảng Sơn, cây chè cổ thụ sẽ là tiêu chí hấp dẫn với những du khách thích khám phá, nên rất cần phương án bảo tồn.
Quảng Sơn có hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn thôn Quảng Mới. Hồ Trúc Bài Sơn còn gọi là “hồ trên núi”, bốn mùa đều đẹp nhưng lãng mạn nhất là mùa thu. Nước trong hồ Trúc Bài Sơn được coi như dòng nước khởi sinh, là nguồn sữa mẹ nuôi sống các cánh đồng trên địa bàn huyện. Công trình thủy lợi hồ Trúc Bài Sơn được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, điều hòa lũ, phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp cho 9 xã của huyện Hải Hà.
Hồ có diện tích 110ha, lượng nước trong hồ thường xuyên đạt khoảng 15 triệu m3, được hợp từ các con suối ở các thôn, bản Quảng Mới, Tài Chi, Lồ Má Coọc (xã Quảng Sơn) chảy về. Lòng hồ có nhiều cá giúp không ít người dân nơi đây sinh sống tốt hơn. Mỗi mùa đến Trúc Bài Sơn đều có vẻ đẹp riêng, nhưng có lẽ mùa thu hồ đẹp nhất trong năm. Vào những ngày trời đẹp, nắng vàng màu mật ong khiến gương hồ càng thêm lãng mạn. Còn những hôm trời sương mù, ta cùng chiếc thuyền độc mộc bơi giữa lòng hồ, ngắm nước hồ trong veo, xa xa là ngọn núi Đục cao vút, mây vờn đỉnh núi giống như lạc vào cảnh thần tiên…
Ở bản Tài Chi, xã Quảng Sơn còn có thác Đôi – biểu tượng tình yêu giữa thiên nhiên hùng vĩ. Dòng nước đến thác Đôi bắt nguồn từ đỉnh Cao Ba Lanh chảy qua bản Tài Chi rồi đổ xuống sông xã Quảng Thịnh (Hải Hà), xuôi theo dòng sông Hà Cối chảy ra biển. Muốn đến thác Đôi, phải đi bộ khoảng 3km đường rừng mới tới. Thác có độ cao khoảng 15m, dòng nước được chia làm đôi rồi đổ xuống một cái hồ rộng hơn 50m2, mang đầy vẻ thơ mộng, giúp ta cảm thấy khoan khoái như quên hết mọi toan tính đời thường. Bao quanh thác là những khu rừng già, trên trời cao những cánh chim bay lượn khiến ta càng thấy gần gũi với thiên nhiên.
Quảng Sơn còn là mảnh đất với những nét văn hoá phong phú, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có 90% là người dân tộc Dao, bà con còn lưu giữ rất tốt nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đa phần phụ nữ đều biết thêu thùa những bộ quần áo truyền thống. Ở bản Lý Quáng (xã Quảng Sơn) có bà Diềng Chống Sếnh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng bằng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian Việt Nam” năm 2013. Bà Sếnh là người có công truyền dạy người dân thêu thùa những bộ quần áo truyền thống và tham gia giảng dạy nhiều lớp học thêu truyền thống ở xã.
Anh Chíu Sáng Hỷ cũng ở bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn, là người thổi kèn theo các điệu nhạc truyền thống của người Dao hay nhất huyện Hải Hà. Điều đặc biệt là anh Hỷ còn tự tay làm được nhiều bộ phận của kèn, loại kèn này vốn đều do các nghệ nhân cha truyền con nối tự mày mò làm ra. Anh Hỷ có thể thổi được tất cả 18 bài kèn đám ma, 12 bài kèn đám cưới của người Dao và rất nhiệt tình truyền dạy cho những ai muốn đến học nghề kèn của anh.
Quảng Sơn là vùng đất một thời người dân sống trong lam lũ, nghèo khó nhưng bà con vẫn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Ngày nay, đời sống của đồng bào nơi đây đã nâng lên rất nhiều, càng tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp bà con tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa các giá trị văn hoá riêng của dân tộc mình.