Trên chặng đường xây dựng, phát triển, trải qua bao thăng trầm, Quảng Ninh với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, quyết liệt hành động vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Phát huy những trụ cột kinh tế
Với khát vọng phát triển, bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh trên cơ sở đường lối, chủ trương của trung ương, xuất phát từ thực tiễn của địa phương. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Từng bước vượt lên thách thức, tỉnh quyết tâm giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, nhất là phát huy tối đa vai trò trụ cột công nghiệp – xây dựng, phát triển KCN, KKT, CCN và tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, ngành Điện…
Tỉnh xác định để tháo gỡ khó khăn, giao thông luôn phải đi trước. Vì vậy ở mỗi một thời điểm, yêu cầu về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau. Nếu khoảng hơn 15 năm trước, việc hoàn thành mở rộng, nâng cấp QL18A đã là một kỳ tích của tỉnh, thì ở giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh đặt ra yêu cầu sở hữu các tuyến cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế… Trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái hiện đại, không chỉ đáp ứng về giao thông mà còn trở thành “con đường du lịch”; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên trong nước; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… hoàn thành, khẳng định là hạ tầng giao thông quan trọng của Quảng Ninh, cửa ngõ kết nối bầu trời, trung tâm logistics trong tương lai, động lực thu hút đầu tư cho tỉnh. Cùng với đó, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông động lực khác hình thành, “tháo gỡ điểm nghẽn”, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.
Song song, tỉnh quan tâm hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT, CCN, nhằm tạo động lực quan trọng thu hút đầu tư, nhất là đối với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Từ những giải pháp chặt chẽ, khoa học, lựa chọn đúng và trúng với nhiều chính sách khuyến khích, thuận lợi, tỉnh đã tạo đột phá trong kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn. Riêng năm 2023, thu hút vốn FDI vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh đạt trên 3,1 tỷ USD, lập kỷ lục từ trước đến nay; quý I/2024 thu hút gần 700 triệu USD. Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Nhà nước, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành điểm sáng trong nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 năm liên tiếp (2015-2023) đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Với những lợi thế nổi trội, Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ”. Tận dụng triệt để những lợi thế này, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, những sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch thế giới.
Quảng Ninh bây giờ sôi động, nhộn nhịp với dòng khách du lịch đa dạng, đa quốc gia. Tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, những chiếc tàu hạng sang tấp nập cập bến đưa du khách đến Quảng Ninh. Sự sôi động của dòng khách quốc tế đã minh chứng cho Quảng Ninh đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách không chỉ với giá trị ngoại hạng Vịnh Hạ Long, mà còn khẳng định chất lượng các sản phẩm du lịch cũng như hạ tầng kết nối. Bên cạnh các hoạt động hấp dẫn, như trải nghiệm ẩm thực, các show diễn nghệ thuật được duy trì, mới đây du thuyền Ambassador còn có màn trình diễn pháo hoa đặc sắc vào 21 giờ hằng ngày trong suốt dịp hè (từ ngày 15/4-2/9/2024). Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện giải trí, mà còn là cách tuyệt vời để tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh Hạ Long; tạo thêm những kỷ niệm đáng nhớ, những hình ảnh đẹp đối với du khách khi ở Quảng Ninh…
Ông Lê Mạnh Hiền (Việt kiều Đức) cho biết: “Trở về Vùng mỏ, tôi thực sự bất ngờ về sự phát triển vượt bậc của tỉnh. Nhiều năm về trước, Quảng Ninh chỉ có những bến cảng còn thô sơ, thưa thớt bóng tàu; những con đường giao thông nhỏ hẹp chưa được quy hoạch mở rộng; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn… Thì nay Quảng Ninh hoàn toàn đổi khác. Quảng Ninh hiện lên như một bức tranh đa sắc màu với đầy đủ các yếu tố để phát triển. Tôi thực sự rất tự hào về Quảng Ninh”.
Hiện thực mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân
Với quan điểm xuyên suốt, mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh luôn quan tâm chăm lo, thực hiện mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân. Từ những ngày đầu tỉnh thành lập đến nay, dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, thì mục tiêu phát triển vì hạnh phúc của nhân dân luôn được hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động của tỉnh.
Qua từng năm, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh dần được triển khai đồng bộ trên các phương diện, nhất là về y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng thiết yếu điện, nước, viễn thông… phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh lồng ghép nhiều chương trình, nghị quyết, tạo hiệu quả rõ nét nâng cao đời sống nhân dân.
Điển hình: Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được cụ thể hóa với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM. Trong 3 năm (2021-2023) tỉnh huy động trên 118.000 tỷ đồng đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội mang tính động lực, đã làm thay đổi căn bản diện mạo, đời sống nhân dân khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS. Hết năm 2023 thu nhập bình quân tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS); 100% số xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố…
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021), Đề án 409 của BTV Tỉnh ủy; 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Mục tiêu đến hết nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh kiên trì nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, đi sâu triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; hết năm 2024 không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; hết 2025 không còn hộ cận nghèo, để tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh…
Các đơn vị, địa phương đang tập trung cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết, chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc, cùng với hệ giá trị con người Quảng Ninh gồm các phẩm chất: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh. Tất cả hướng đến mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân và vì sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây tiếp tục là hành trang để Quảng Ninh tiến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, năng động, trung tâm du lịch quốc tế…