Hoạt động khai thác hải sản trái phép trên thực tiễn có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản và cũng chính là một mối nguy hiểm lớn đối với môi trường biển, ảnh hưởng đến tính bền vững của các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển. Chính vì thế, các lực lượng chức năng, các địa phương có biển của Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, mở đợt cao điểm ra quân xử lý, kiên quyết ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Từng bước gỡ các khuyến cáo
Nhằm ngăn ngừa khai thác IUU, Quảng Ninh đã sớm hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh đã thiết lập 10 điểm kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản tại các địa phương trọng điểm nghề cá; đăng ký, cấp phép tạm thời đối với các tàu cá chưa đủ điều kiện đăng ký chính thức để đưa vào quản lý; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá và khai thác thủy sản; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, xử lý vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quyết liệt di dời các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ngoài quy hoạch, chuyển đổi vật liệu nổi. Đồng thời ký kết chương trình phối hợp với 6 tỉnh, thành phố trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác và chống khai thác IUU…
Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh đã phát hiện 5.790 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt 5.754 vụ vi phạm, thu phạt hơn 42,2 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên một số cảnh báo “thẻ vàng” IUU tại Quảng Ninh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là cảnh báo liên quan đến công tác quản lý tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã thẳng thắn chỉ ra 4 tồn tại. Đó là số tàu cá được cấp phép, được cấp đăng kiểm chưa cao, trong đó tàu từ 6m trở lên cấp phép là 51,5%, tàu từ 12m trở lên được đăng kiểm đạt 12%. Tỷ lệ tàu mất kết nối VMS còn rất cao, trong đó tàu mất kết nối thường xuyên chiếm 50-60%, 38 tàu mất kết nối 6 tháng, 34 tàu mất kết nối 1 năm.
Tỷ lệ tàu cá của Quảng Ninh cập cảng đạt khoảng 15%, sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng đạt khoảng 11%, còn thấp so với đội tàu khai thác, cũng như so với tổng sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh. Công tác kiểm tra, kiểm soát, lưu trữ hồ sơ sổ sách của đơn vị chuyên môn chưa đạt yêu cầu; xảy ra tình trạng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác sai vùng theo quy định…
Kiên quyết không để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra khơi
Ngay sau buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về IUU, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương có những chỉ đạo và triển khai quyết liệt, quyết tâm tạo chuyển biến trong lĩnh vực này. UBND tỉnh làm việc với 9 địa phương có biển, yêu cầu đẩy nhanh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác của toàn bộ tàu cá theo quy định; xử lý nghiêm các chủ tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Các địa phương có biển nắm bắt sát diễn biến khai thác thuỷ sản, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về IUU.
Phần lớn các đơn vị đã thiết lập nhóm zalo, bố trí lực lượng, trang thiết bị đảm bảo điều kiện hoạt động tại các điểm kiểm soát. Riêng Sở NN&PTNT tổ chức trực ban 24/24h theo dõi, giám sát tàu cá trên biển, ghi chép và lưu trữ thông tin tàu cá vi phạm, cập nhật thông tin tàu cá mất kết nối VMS, lập danh sách tàu cá không đi khai thác, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Từ ngày 1/9, các đơn vị, địa phương đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm IUU. Ngư dân, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, khai báo theo quy định thì sản phẩm thủy sản khai thác được coi là bất hợp pháp, sẽ tịch thu phương tiện, sản phẩm theo đúng quy định…
Từ những động thái quyết liệt trên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh đã cập nhật dữ liệu đăng kiểm tàu cá trên Vnfishbase đạt 65,6% (tăng 53,6%); cấp giấy phép khai thác đạt 71,5% (tăng 2%). Đối với các địa phương cấp huyện, số tàu đã đăng ký được cập nhật hệ thống là 3.736 tàu, đạt 99,3%, tăng 40%; công tác cấp giấy phép khai thác thuỷ sản tăng 0,4%. Tính đến hết ngày 1/9, toàn tỉnh có 117/233 tàu đang duy trì kết nối VMS, như vậy là đã có 65 tàu kết nối trở lại so với thời điểm ngày 5/8.
Văn phòng Kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) trong hơn 1 tháng qua đã khắc phục triệt để những tồn tại trước đó; hiện tại đơn vị đã được bố trí cán bộ chuyên môn thường trực hợp lý, được tập huấn nghiệp vụ… Trong tháng 8, đơn vị đã kiểm soát 202 lượt tàu cập, rời cảng; thu 164 nhật ký khai thác, sản lượng thuỷ sản bốc dỡ 437 tấn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay đã kiểm soát 4.723 lượt tàu cập, rời cảng; cấp phát 2.218 nhật ký khai thác, thu 2.378 nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; sản lượng thuỷ sản bốc dỡ 5.710 tấn. Văn phòng cũng đã bố trí 2 cán bộ hằng ngày theo dõi hoạt động qua VMS đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, qua đó tỷ lệ mất kết nối còn 23%, giảm 27% so với thời điểm trước ngày 5/8, tương ứng với 65 tàu đã kết nối trở lại.
Theo ông Thiều Văn Thành, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh, hiện đơn vị đang tiếp tục tìm nguyên nhân 64 tàu mất kết nối, nhằm hoàn thành mục tiêu 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đăng kiểm cập nhật Vnfishbase, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tổ chức tháng cao điểm, đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên biển, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là hành vi liên quan đến nhật ký, báo cáo khai thác, khai thác sai vùng, vượt ranh giới trên biển, các vi phạm về VMS, kiên quyết không để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra khơi.