Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện được vai trò nòng cốt, dẫn dắt phát triển liên kết vùng, tiên phong tham vấn những cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng và quốc gia.
Đồng bộ hệ thống giao thông kết nối
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/2/2023). Quy hoạch đã định hình cho Quảng Ninh một không gian phát triển mới với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, mở rộng, kết nối với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và kết nối với Trung Quốc.
Ngay sau khi tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác “công – tư” đưa vào khai thác, hoạt động, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư thêm nhiều tuyến giao thông kết nối mới, tạo không gian phát triển mới, dẫn dắt phát triển liên kết vùng.
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT, các dự án hạ tầng giao thông đang được tỉnh đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực của tỉnh, như Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều. Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông gắn kết phát triển giữa vùng động lực với vùng khó khăn cũng như liên thông, tổng thể với các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng sông Hồng, tạo ra những giá trị, động lực phát triển mới của tỉnh và khu vực.
Chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 36 dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm, điển hình như đường tỉnh 341, cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh. Tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo hoàn thành một loạt các dự án giao thông khác, như: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342; đường kết nối cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh (TP Móng Cái); đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường nối cầu Bến Rừng.
Để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của tỉnh có vai trò trụ cột trong dẫn dắt phát triển liên kết vùng, ngay trong những ngày đầu năm 2024, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống hiện trường các dự án giao thông để thăm, động viên, khích lệ các đơn vị nhà thầu “vượt nắng, thắng mưa” làm việc xuyên Tết.
Ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc BQL dự án đầu tư các dự án dân dụng, công nghiệp tỉnh, cho biết: Đơn vị đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị kỹ thuật và công nhân thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông. Riêng năm 2024 hoàn thành dự án đường nối cầu Bến Rừng; quyết tâm hoàn thành hạng mục chính dự án đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, hoàn thành dự án vào quý II/2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025, như: Tuyến nối QL18 và đường tốc độ cao ven sông TX Đông Triều – Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); đầu tư cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng).
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Tiên Yên – Lạng Sơn – Cao Bằng; Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ (QL18A, QL18B, QL18C, QL279, QL10, QL17B, QL4B); 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hạ Long – Móng Cái) và hệ thống các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia, quốc tế. Từ định hướng này, tỉnh Quảng Ninh tạo ra hệ thống giao thông tổng thể, đồng bộ, thông suốt, giữ vai trò gắn kết phát triển liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.
Giữ vai trò, trách nhiệm thúc đẩy phát triển vùng
Với vai trò, vị trí quan trọng trong Vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì triển khai xây dựng nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo động lực đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, như: Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm Di sản Vịnh Hạ Long; Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, trình UNESCO công nhận Di sản thế giới; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế.
Tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng các cơ chế, chính sách, như: Đề án phát triển khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của vùng; xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, cho phép địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án vùng, liên vùng; Đề án phát triển du lịch cho cả vùng, trọng tâm là du lịch văn hóa, kết nối các di sản tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho các tỉnh, thành phố có di sản thế giới và tiếp tục đầu tư 9 khu du lịch quốc gia trong vùng.
Đến nay các đề án đã và đang được hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong năm 2024, làm cơ sở để các tỉnh, thành trong vùng thực hiện. Riêng Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản thế giới, với vai trò nòng cốt, dẫn dắt và chủ động của tỉnh Quảng Ninh, đến nay Đề án đã hoàn thành toàn bộ nội dung. Hồ sơ đề cử đã được Bộ VH,TT&DL gửi Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Theo TS Hà Thị Thùy Dương, Trưởng Khoa CNXH khoa học, Học viện Chính trị khu vực IV, chia sẻ tại Hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển tỉnh Quảng Ninh – Giá trị lý luận và thực tiễn” (tổ chức tháng 11/2023), Quảng Ninh rất chủ động, mạnh dạn trong thực hiện các mô hình mới, chưa có tiền lệ và đạt được hiệu quả rất cao. Đồng thời với đó, với vai trò là tỉnh phát triển của vùng, Quảng Ninh tích cực tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách cho tỉnh cũng như của vùng, thậm chí có tầm ảnh hưởng quốc gia. Những điều này đã giúp cho Quảng Ninh luôn giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong nhiều năm liên tiếp, ngay cả khi đất nước bị đại dịch Covid-19. Các tỉnh, thành trong nước nể phục trước sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, đặt Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu để học tập, noi theo.
Là một tỉnh biên giới, Quảng Ninh thường xuyên có hoạt động trao đổi cấp cao, hội đàm giữa cấp sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh (Việt Nam) với lãnh sở, ngành, địa phương của Quảng Tây (Trung Quốc) để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh, thành trong vùng và cả nước qua các cặp cửa khẩu Bắc Luân (TP Móng Cái) – Đông Hưng, Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) – Lý Hỏa, Hoành Mô (huyện Bình Liêu) – Động Trung (Trung Quốc).
Trước những chính sách biên mậu chặt chẽ của Trung Quốc, năm 2023 lãnh đạo TP Móng Cái đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm với lãnh đạo TP Đông Hưng (Trung Quốc) để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, tăng hiệu suất, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hoá XNK qua cặp Cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng; áp dụng linh hoạt cơ chế kiểm soát hàng hoá tương đồng với các cặp cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc; giảm tỷ lệ và thời gian kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng thủy hải sản, hoa quả tươi từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc; bổ sung cho phép một số mặt hàng hoa quả tươi, nông sản được phép thông quan qua lối mở Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên giới Đông Hưng.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Năm 2023 hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Móng Cái tăng 73,6%; tổng trọng lượng đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng 73,6% so với năm 2022. Rất nhiều mặt hàng nông sản và hàng hóa sản xuất được của doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành trong nước đã được xuất khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái. TP Móng Cái hiện hữu là địa phương trung chuyển hàng hóa XNK, gắn kết sự phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành trong nước với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.
Với vai trò là một tỉnh thành viên của Vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh gắn kết chặt chẽ sự phát triển giữa các thành phần kinh tế của tỉnh cũng như của vùng, tạo ra những giá trị cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2023 Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 11,03%, đứng thứ nhất các tỉnh, thành Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp tăng trưởng đạt 2 con số (2015-2023); thu NSNN đạt trên 55.600 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Năm 2024, tỉnh đưa nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế nhanh, bền vững, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bền vững, bao trùm; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững 2 con số; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, nhất là những KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.