Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công trên cả nước. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Tuy nhiên, ngay sau đó, ở miền Nam, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh quay trở lại xâm lược. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng mượn cớ vào giải giáp quân Nhật nhưng kéo theo bọn phản động âm mưu thành lập chính quyền tay sai, thôn tính nước ta. Trong khó khăn chung của toàn dân tộc, Quảng Ninh khi ấy còn có những khó khăn, phức tạp riêng.
Với đặc thù vị trí địa lý, tình hình chính trị xã hội đặc biệt phức tạp, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi ấy, nhiều nơi, nhất là Hải Ninh cũ, nhân dân chưa giành được quyền làm chủ. Hàng vạn quân Tưởng, hơn 3.000 quân Nhật, tàn quân Pháp (đóng ở Vạn Hoa, Cô Tô), hơn 1.000 quân bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách, hàng ngàn quân phỉ nhũng nhiễu, hoành hành suốt dải rừng núi và hải đảo. Chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập đã phải liên tiếp đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Ngày 7/9/1945, cậy có phương tiện hiện đại là tàu tuần tiễu chiến đấu, hải quân Pháp ở Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu đã cho tàu Le Creysac vào Hòn Gai thăm dò. Đại đội Ký Con đang bảo vệ Hòn Gai được lệnh điều tàu và ca nô chặn đánh và đã bắt sống tàu Creysac cùng 15 sĩ quan và thuỷ thủ, thu toàn bộ vũ khí. Tàu Creysac được gắn biển “Ký Con” và phiên chế vào lực lượng của ta. Hiện nay, một bộ phận chân vịt của tàu này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Đêm 13/11/1945, Đại đội Ký Con đã tấn công quân Pháp đóng trên đảo Cô Tô. Do lực lượng chênh lệch nên cuộc tấn công thất bại. 17 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội hy sinh, 22 người bị địch bắt sống, sau đó kết án đày ra Côn Đảo. Sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Đại đội Ký Con mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khắc sâu trong lòng người dân Quảng Ninh. Hiện nay, cụ Lê Phú, người đại đội trưởng Đại đội Ký Con chỉ huy trận đánh đồn Cô Tô vẫn còn sống tại Hà Nội.
Cùng với sự khiêu khích của quân Pháp, trung tuần tháng 9/1945, quân Tưởng đến Hòn Gai, kéo theo bọn phản động tay sai. Chúng ra sức tiếp tay cho bọn Việt Quốc, Việt Cách làm càn, liên lạc với bọn phỉ ở Đông Triều, Uông Bí, Bang, Trới… để phá hoại ta. Chúng xúi giục gây rối, tuyên truyền nói xấu chính quyền, tống tiền, thủ tiêu cán bộ. Với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, ta đã từng bước không sa vào bẫy của chúng, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trấn áp và tiêu diệt bọn phỉ đang hoành hành khắp nơi trong tỉnh.
Tháng 10/1945, Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Quảng Yên được thành lập. Để phù hợp với tình hình, tháng 11/1945, Chính phủ quyết định tách khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả ra khỏi tỉnh Quảng Yên để thành lập đặc khu Hòn Gai. Như vậy là hai trong ba vùng lãnh thổ của Quảng Ninh khi ấy là Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai đã có ban cán sự Đảng.
Tháng 11/1945, UBND huyện Hoành Bồ được thành lập. Như vậy, toàn bộ các địa phương của tỉnh Quảng Yên đã có chính quyền cách mạng.
Tại Hải Ninh, quá trình thiết lập chính quyền cách mạng được bắt đầu từ việc đánh đuổi bọn phỉ ở Tiên Yên, giành đi, giật lại đến hai lần. Tiếp đó, bộ đội ta tấn công quân phỉ ở Đầm Hà, thành lập chính quyền cách mạng ở các xã người Kinh. Ngày 18/11/1945, ta thành lập chính quyền cách mạng ở huyện Đình Lập (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), sau đó thành lập chính quyền cách mạng ở huyện Bình Liêu. Ngày 27/1/1946, ta tấn công vào sào huyệt bọn phỉ, giải phóng huyện Đầm Hà, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở đây.
Mặc dù thị xã Móng Cái, các huyện Ba Chẽ, Hà Cối chưa được giải phóng nhưng để đáp ứng yêu cầu cách mạng, tháng 2/1946, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh được thành lập. Chính quyền cách mạng các xã cũng lần lượt được thành lập và củng cố để tổ chức và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tăng gia sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt vốn đã ngự trị triền miên ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.