Ngày 2/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cuộc họp được kết nối trực truyến đến các địa phương.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đặt mục tiêu: Đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã rất nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo tiêu chí của tỉnh, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là lao động trẻ, lao động là người dân tộc thiểu số.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hết 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh giảm 226/246 hộ nghèo, bằng 91,86% kế hoạch năm 2024; giảm 1.591 hộ cận nghèo, bằng 132,58% kế hoạch năm. Các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; công tác xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo được triển khai thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Tuy nhiên, đầu tháng 9/2024, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh với sức tàn phá lớn, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó có cả các hộ nghèo và cận nghèo. Điều này đang tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh. Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh.
Năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia, về đích trước 2 năm. Để đảm bảo hài hòa tối đa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, tỉnh đã nâng cao tiêu chí, quy chuẩn nghèo mới, cao hơn 1,4 lần so với tiêu chí quốc gia, áp dụng riêng trên địa bàn với quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả triển khai giai đoạn những tháng đầu năm 2024 rất khả quan, bám sát kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên đầu tháng 9, bão số 3 đổ bộ, đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh, khiến nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo tăng cao do một số hộ gia đình có nguy cơ mất việc làm, khó khăn trong phát triển kinh tế.
Để giữ vững mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần lập ngay Tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo để làm cơ sở, có giải pháp kịp thời triển khai ngay các chính sách hiệu quả, mục tiêu xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong quá trình thực hiện, cần định hình rõ thời gian, mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, đề xuất các giải pháp cụ thể. Cần vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân sau bão của Chính phủ và tỉnh; nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu lại lao động; huy động thêm các nguồn lực xã hội để đồng hành cùng tỉnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Quảng Ninh sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu xoá nghèo bền vững theo tiêu chuẩn của tỉnh, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, hoàn thành trong năm 2025.