Ngày 30/10/1963, tỉnh Quảng Ninh chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Hơn nửa thế kỷ qua, quân và dân Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, chứng minh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, là lực lượng xung kích thực hiện CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong thời kỳ bom đạn, với tinh thần anh dũng chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, duy trì các hoạt động văn hóa xã hội… Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh tiếp tục coi trọng phát triển kinh tế bằng việc thực thi cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm đã tạo bước phát triển nhanh chóng.
Nhìn lại thành quả 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trên nền tảng kế thừa các thế hệ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, sáng tạo, làm nên nhiều thành tựu quan trọng.
Trong công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tỉnh bám sát 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung tổ chức lập quy hoạch; nắm bắt thời cơ, xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực, tiền đề phát triển lâu dài. Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án quan trọng tại địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS…
Từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực với 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số. Rõ nét hơn, trong 3 năm (2020, 2021, 2022) dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn tự lực, kiên cường bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, sát thực, giữ vững địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển trong trạng thái bình thường mới”; trở thành một trong số ít địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Tại buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận: Quảng Ninh các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết, nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về QP-AN, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc…
Tiếp tục nắm bắt thời cơ và nhận diện những khó khăn trong năm 2023, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Tỉnh ủy về chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Đồng thời, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách; đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy các dự án thứ cấp trong KCN, KKT; tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện, du lịch, dịch vụ phát triển…
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, Quảng Ninh tiên phong, đi đầu, tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng KT-XH… Mới đây, Quảng Ninh được công nhận đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Những công trình liên kết vùng của tỉnh trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay; phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023), Quảng Ninh đã hoàn thành, gắn biển nhiều công trình, dự án động lực. Tại huyện Bình Liêu đã gắn biển công trình Trường THPT Bình Liêu. Tại huyện Cô Tô gắn biển các công trình: Công viên Tùng tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo; tuyến đường giao thông khu vực thị trấn Cô Tô và tuyến đường giao thông thôn Nam Đồng (xã Đồng Tiến).
Tại huyện Ba Chẽ gắn biển các công trình, dự án: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; hệ thống trạm xử lý nước sạch Hồ chứa nước Khe Mười tại thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn; nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 – đường tỉnh 342 – Đồng Dằm (Đạp Thanh) – Khe Nà (Thanh Sơn) – Lang Cang (Đồn Đạc) và cải tạo, mở rộng Trường PTDT Nội trú huyện.
Cùng với đó, tỉnh đã gắn biển công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh… Hiện nhiều công trình đang gấp rút hoàn thiện để gắn biển chào mừng đúng dịp kỷ niệm thành lập tỉnh…
Với những mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ, 9 tháng năm 2023, GRDP của tỉnh ước tăng 9,94%; thu NSNN ước thực hiện 40.678 tỷ đồng (tăng 4% so cùng kỳ năm 2022). Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỷ đồng (tăng 81%). Chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo có nhiều thay đổi và cải thiện đáng kể. Tính đến thời điểm này, tỉnh cơ bản hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh; thực hiện chính sách cấp thẻ bảo BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 99,8%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,25%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động. Trong 9 tháng, số lao động được tạo việc làm tăng thêm ước đạt 19.369 người, gấp 2,04 lần so với cùng kỳ năm 2022…
Những nỗ lực và thành quả đáng tự hào trên đã để lại dấu ấn quan trọng trong hành trình Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển. Từ đây, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền; tăng cường sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục tạo khí thế, động lực và sức mạnh mới, tạo đà đưa Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo.