Là một vùng đất giàu bản sắc văn hoá với 3 không gian văn hoá gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đã được chọn lọc, sáng tạo, hình thành nên các ngành công nghiệp văn hóa và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Bên lề lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá” tổ chức tại TP Hạ Long cuối tháng 4/2024, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương.
– Thưa ông, xin ông cho biết ý nghĩa của lớp tập huấn vừa qua đối với sự phát triển công nghiệp văn hoá mà cụ thể là ở Quảng Ninh?
+ Lần này, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương có lớp bồi dưỡng với chủ đề là “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá”. Anh cũng đã biết, trong VHNT có phần sáng tạo, sáng tác, có lý luận phê bình, có phần quảng bá, tuyên truyền. Đây đều là những điểm mà Quảng Ninh có điều kiện để phát triển.
Lớp này, chúng tôi mời giảng viên các trường đại học có bộ môn văn hoá, văn học trong cả nước, các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu trong cả nước, các hội VHNT và phóng viên, biên tập viên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ của các cơ quan báo chí. Chúng tôi mong làm sao để mọi người hiểu được các khái niệm về công nghiệp văn hoá hay nói cách khác là các ngành công nghiệp văn hoá bao gồm những mảng nào. Nó đã hình thành và phát triển trên thế giới ra sao, những cơ hội đặt ra cho Việt Nam nói chung và cho cả Quảng Ninh nói riêng nữa. Đi liền với những cơ hội là thách thức, khó khăn nào cần phải đối diện, vượt qua. Lực lượng nghiên cứu này có nắm được thì họ mới góp phần cùng với các địa phương, trong đó có Quảng Ninh để tuyên truyền làm cho mọi người thấy được, hiểu về các ngành công nghiệp văn hoá một cách có tính hệ thống.
– Văn học nghệ thuật có vai trò như thế nào trong việc phát triển công nghiệp văn hoá, thưa ông?
+ Để xây dựng công nghiệp văn hoá thì có nhiều lực lượng, các mảng khác nhau cùng góp phần nhưng trong đó đặc biệt là VHNT. VHNT trước hết là cung cấp ý tưởng, sáng tạo, sự liên tưởng, điều đó quan trọng lắm. Trên thế giới có những tác phẩm tiểu thuyết tưởng dành cho trẻ con nhưng người lớn cũng say mê. Và do đó, một tác phẩm VHNT thì tác động đến điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, trò chơi game và rất nhiều loại hình khác, có thể đem lại doanh thu đến hàng chục tỷ đô la. Gần đây, chúng ta thấy các phim của Việt Nam như “Đất rừng Phương Nam”, “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai” của Trấn Thành hoặc những phim nhà nước đặt hàng như “Đào, phở và piano”… được công chúng rất quan tâm. VHNT có giá trị là như thế.
Và nếu như một sản phẩm văn hoá mà kết hợp được nhiều những yếu tố của VHNT thì tăng giá trị, sức hấp dẫn, tính lan toả. Như thế thì công nghiệp văn hoá mới có sự phát triển một cách vững chắc và mạnh mẽ. Ví dụ như tiểu thuyết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tái bản nhiều lần, đến khi phim này quay ở Phú Yên, ra rạp, lượng bán vé lớn. Phú Yên cũng từ một tỉnh người ta không biết đến nhiều, kinh tế chưa mấy phát triển, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng sau phim đó thì một số đoàn làm phim trong nước và nước ngoài đã đến đây. Và gần đây nhất là đoàn phim của Ấn Độ cũng triển khai quay phim của họ ở Phú Yên. Hay là phim “Kong: Skull Island” của Hollywood có lên điện ảnh, truyền hình các kênh lớn như CNN thì mới quảng bá rộng rãi được, người ta mới biết đến Việt Nam, biết đến Quảng Ninh đẹp như thế nào, hấp dẫn như thế nào.
– Ông nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá tại Quảng Ninh?
+ Theo đánh giá của chúng tôi, những người nghiên cứu về văn hoá, văn nghệ thì Quảng Ninh là một trong những trung tâm lớn, có đủ kể cả tiềm năng và những cơ hội, đương nhiên có cả những thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Rõ ràng là ít nơi có được những danh lam thắng cảnh như Quảng Ninh với di sản Vịnh Hạ Long, di tích – danh thắng Yên Tử, có văn hoá truyền thống các dân tộc, lại có được sự đổi mới, bứt phá trong tư duy và hành động. Đó là những tiền đề quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Quảng Ninh.
Ở Quảng Ninh, rõ nhất là du lịch văn hoá. Nhưng để có được du lịch văn hoá thì phải đưa thêm yếu tố của VHNT vào đây. Đưa ở những chỗ nào, cung cấp những ý tưởng, chất liệu như thế nào để chúng ta xây dựng, thiết kế các chương trình, chiến lược phát triển du lịch cho địa phương. Tôi lấy ví dụ như núi Bài Thơ chẳng hạn, nếu nhìn đơn giản thì chỉ là ngọn núi, nhưng nó còn gắn với sự thơ mộng, sự kiện lịch sử, văn hoá cụ thể, với bài thơ về chủ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.
Hay là hòn Trống Mái nhìn qua thì chỉ là hai khối đá thôi nhưng qua trí tưởng tượng của con người thì như là hòn chồng, vợ với những truyền thuyết dân gian, ca dao dân ca trong kho tàng sáng tạo văn học dân gian của cha ông ta xưa. Trên Vịnh Hạ Long có cả nghìn hòn đảo lớn, nhỏ như thế. Rõ ràng, đây là tiềm năng rất lớn cho công nghiệp văn hoá. Rồi thì Bãi Cháy, Hòn Gai, các cửa khẩu biên giới chúng ta cũng đều có thể phát triển công nghiệp văn hoá. Tại Hạ Long hằng năm, Quảng Ninh có lễ hội Carnaval Hạ Long đặc sắc. Đấy cũng là sự kiện thu hút các đoàn nghệ thuật trên thế giới. Và đấy cũng là nơi quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Quảng Ninh.
– Ông có gợi ý gì cho những giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá ở Quảng Ninh hiện nay?
+ Đây là những điều mà chúng tôi nghĩ bấy lâu. Quảng Ninh cũng có thể tổ chức nhiều hơn các liên hoan ca nhạc, gặp gỡ điện ảnh, làm sao tạo ra các sự kiện mang tính quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế sẽ thu hút khách du lịch, thu hút giới tinh hoa trong nước và thế giới về đây. Và đương nhiên phục vụ cho cả đại chúng, các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi nghĩ nếu như có một chiến lược phát triển tốt, có những giải pháp, cơ chế, chính sách tạo được nguồn nhân lực thì những ngành công nghiệp văn hoá ở Quảng Ninh sẽ có nhiều sự phát triển hứa hẹn và đạt được những thành tựu rực rỡ hơn.
Cùng với những tiềm năng, thế mạnh, những nguyên liệu của công nghiệp văn hoá trên địa bàn kết hợp với nhau và kết hợp với công nghệ thì làm cho những sản phẩm văn hoá đó có giá trị gia tăng rất cao, có giá trị lưu niệm bán cho du khách mà còn phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ví dụ như là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Quảng Ninh nhưng khi chúng ta sản xuất mà đưa các yếu tố của văn hoá, văn nghệ vào thì những sản phẩm sẽ đẹp hơn. Tôi lấy ví dụ những chiếc túi xách, hàng lưu niệm khi mà in những bài thơ, những tác phẩm nghệ thuật trên đó thì sẽ gia tăng giá trị chứ còn gì (cười).
– Nói riêng về văn học nghệ thuật Quảng Ninh, ông có những gợi ý như thế nào?
+ Bên trên tôi mới nói đến công nghiệp điện ảnh còn trong lĩnh vực âm nhạc, Quảng Ninh cũng có tiềm năng rất lớn. Có lớp ca sĩ trước đây mà bây giờ thành biểu tượng như Quang Thọ, Lê Dung. Và gần đây là một loạt ca sĩ như Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh rồi các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn ở đây nữa. Hay như Đen Vâu sức hút giờ đã ở phạm vi toàn quốc rồi, thành tựu âm nhạc của cậu ấy ở khu vực cũng biết. Rất nhiều. Lực lượng rất dày. Vấn đề là mình tận dụng người của mình như thế nào.
Đấy cũng là những vấn đề đặt ra không chỉ riêng đối với Quảng Ninh mà để các địa phương nói chung khi phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thì phải coi trọng yếu tố con người, coi trọng tài năng. Đặc biệt là phải quan tâm đến giới tinh hoa trong VHNT để phát triển công nghiệp văn hoá. Và đương nhiên là những tài năng của chúng ta sẽ phục vụ cho đại chúng. Nhưng muốn tìm những giá trị gia tăng cao của các ngành công nghiệp văn hoá thì phải là ở giới tinh hoa.
– Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!