Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 năm 2024 vừa diễn ra tại Khu đô thị Phương Đông (Vân Đồn) với sự tham gia đồng diễn Yoga của gần 1.000 người là các huấn luyện viên, vận động viên các CLB Yoga và những người yêu thích, thực hành Yoga trong và ngoài tỉnh. Lần thứ 2 tham gia sự kiện tổ chức tại Quảng Ninh, ngài Sandeep Arya, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam, đã có buổi trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
– Thưa đại sứ Sandeep Arya, ngài đánh giá như thế nào về sự kiện Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 được tổ chức tại Quảng Ninh lần này? + Năm nay đánh dấu lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10, đã tròn một thập kỷ từ khi Liên hợp quốc tuyên bố ngày 21/6 là Ngày Yoga trên cơ sở đồng thuận và Việt Nam cũng đã ủng hộ sáng kiến đó với tư cách Đối tác chiến lược toàn diện của Ấn Độ. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Liên đoàn Yoga Việt Nam và đông đảo người dân, những người yêu Yoga đã giúp sự kiện diễn ra sôi động và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ về giá trị của môn thể thao đặc biệt này. Sự kiện Ngày Quốc tế Yoga năm nay được tổ chức tại gần 40 tỉnh thành của Việt Nam với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Và qua nhiều năm, Quảng Ninh đã trở thành điểm đến quen thuộc của chuỗi sự kiện Yoga với những ưu thế về cơ sở hạ tầng, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Cũng như những năm trước, tại Ngày Quốc tế Yoga năm nay, tôi có thể nhận thấy sự cam kết mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh với việc lan tỏa các giá trị của Yoga, coi Yoga như một trong những phương thức để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2023, lần đầu tiên tham dự Ngày Quốc tế Yoga tổ chức tại chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều) tôi đã vô cùng ấn tượng về tinh thần văn hóa Phật giáo độc đáo. Lần này đến với Vân Đồn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của vịnh Bái Tử Long đã tôn vinh tuyệt đối tinh thần gắn kết và giao thoa với thiên nhiên của Yoga. Tôi đồng thời đặc biệt ấn tượng với sự đón tiếp trọng thị và sự chuẩn bị chu đáo cho sự kiện lần này của tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng. |
– Ngài đánh giá như thế nào về việc phát triển phong trào Yoga tại Quảng Ninh?
+ Qua nhiều năm sự kiện diễn ra tại Quảng Ninh, tôi nhận thấy, tại Quảng Ninh phong trào luyện tập Yoga đã thực sự phát triển sâu rộng và mạnh mẽ; cho thấy đời sống nhân dân đang dần được nâng cao, nhu cầu chăm sóc, giữ gìn sức khỏe và cải thiện chất lượng sống ngày càng được coi trọng.
Đặc biệt tại sự kiện tổ chức tại Quảng Ninh năm nay, tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn về các khóa học đại học và thạc sĩ về Yoga. Chính phủ Ấn Độ cũng tài trợ học bổng để những người mong muốn học Yoga như một nghề chuyên nghiệp có thể tham gia.
Tôi rất ấn tượng khi thấy rất nhiều người dân Quảng Ninh tập Yoga cũng như mức độ phổ biến của Yoga tại tỉnh các bạn. Từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Yoga tại Quảng Ninh, khi các Yogi được luyện tập tại những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tráng lệ, gắn kết thân – tâm – trí với nền tảng văn hóa đặc sắc và đa dạng của Quảng Ninh sẽ là dịp để các bạn có thể quảng bá rộng rãi hơn về nền văn hóa và các tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh có thể định hướng phát triển các loại hình du lịch chữa trị sức khỏe, du lịch chữa lành gắn với các hoạt động của đội ngũ Yogi tại khắp các địa phương trong tỉnh.
– Ngày Quốc tế Yoga đã trở thành sự kiện thường niên tổ chức tại Việt Nam và Quảng Ninh, vậy ngài đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này trong việc kết nối văn hóa Việt Nam và Ấn Độ?
+ Tôi đã có dịp đến nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam và gặp gỡ nhiều người dân, nhận thấy tình cảm nồng ấm, sự thấu hiểu sâu sắc của người dân Việt Nam dành cho Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng, sự gắn kết giữa hai quốc gia xuất phát từ những kết nối lịch sử chung như Phật giáo hay các di sản văn hóa. Trong bối cảnh đó, Yoga được xem là cây cầu mới trong thời đại mới để kết nối tình hữu nghị giữa hai nước.
Một trong những khía cạnh của Yoga là triết lý sống, cách sống và văn hóa của một đất nước. Vì vậy, khi một người tập Yoga, họ có thể hiểu được cách sống, cách suy nghĩ và triết lý sống của đất nước Ấn Độ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một trong những cách mà Yoga củng cố mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Riêng tại Quảng Ninh, nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh đều tổ chức Ngày Quốc tế Yoga, đây có thể coi là dấu ấn văn hóa độc đáo giữa Việt Nam – Ấn Độ, biểu tượng văn hóa của Ấn Độ tại Quảng Ninh. Không chỉ thế, rất nhiều người dân Ấn Độ đã chọn Quảng Ninh làm điểm đến du lịch và trải nghiệm văn hóa. Cá nhân tôi nghĩ rằng, giao lưu nhân dân về mặt văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ song phương nào. Và văn hóa, thể thao là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải thúc đẩy giao lưu nhiều hơn nữa.
– Ngài đánh giá như thế nào về chủ đề “Yoga vì bản thân và xã hội” trong việc thúc đẩy liên kết văn hóa?
+ Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 năm nay chọn chủ đề “Yoga vì bản thân và xã hội” mang ý nghĩa nếu mỗi cá nhân có thể cải thiện bản thân, trở thành công dân tốt đẹp hơn thì xã hội có sự tiến bộ, giao lưu và hòa thuận. Đây là thông điệp hướng đến một hành tinh khỏe mạnh, làm sâu sắc thêm mối liên kết của nhân loại, tôn vinh cái đẹp hài hòa giữa tâm và thân, giữa cá nhân và xã hội.
Tôi tin rằng, Yoga đang kết nối các nền văn hóa và các dân tộc của Ấn Độ và Việt Nam trong thời hiện đại giống như cách mà Phật giáo đã làm từ 2.000 năm trước. Sự kết nối văn minh cổ xưa đã mang những bước thực hành Yoga đến với Việt Nam và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Với sự truyền bá của Yoga và sự phổ biến của Yoga ở Việt Nam và Quảng Ninh như hiện nay, chúng tôi tự tin rằng, Yoga sẽ tiếp tục giúp tăng cường kết nối văn hóa giữa hai nền văn hóa tương tự như cách Phật giáo đã tạo ra.
– Xin trân trọng cảm ơn ngài Đại sứ!