Ngày 15/4, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về đánh giá mô hình phát triển trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015 – 2023 và tình hình, kết quả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Trường Đại học Hạ Long được thành lập từ năm 2014. Tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường hiện là 303 người, trong đó có 47 tiến sĩ, 6 phó giáo sư tiến sĩ, 197 thạc sĩ. Từ năm 2015 tới nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 9 Nghị quyết quy định chính sách đặc thù nhằm thu hút đội ngũ và nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên thỉnh giảng và chính sách đối với lưu học sinh Lào học tập tại ĐH Hạ Long.
Hiện, trường đào tạo 3 ngành trình độ thạc sĩ, 17 ngành trình độ đại học, 2 ngành cao đẳng và 5 ngành trình độ trung cấp thuộc khối nghệ thuật. Giai đoạn 2015-2023, nhà trường đã tuyển sinh được hơn 14.300 sinh viên, chủ yếu là người sinh sống tại Quảng Ninh. Chất lượng sinh viên trúng tuyển ngày càng tăng. Trung bình hàng năm có khoảng 70% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Nhà trường đã ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục và công ty có yếu tố nước ngoài ở nhiều quốc gia như: Hà Lan, Hàn Quốc, New Zealand…; thành lập và phát triển văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản.
Về tình hình giáo dục đại học, tính tới năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục đại học là trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh trực thuộc Bộ Công thương và Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường này đã đào tạo trên 21.700 học sinh, sinh viên trong giai đoạn 2015-2023. Nhìn chung, cơ sở vật chất của hệ thống cơ sở giáo dục Đại học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được công tác đào tạo, giảng dạy.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô các nghề đào tạo được cấp phép đào tạo là hơn 200 nghề. Từ năm 2015-2023, bình quân hàng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người với trên 120 nghề đào tạo được phân theo 7 nhóm nghề. Tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 85% tổng số người tốt nghiệp. Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng.
Qua thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất: Đối với trường Đại học Hạ Long tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Thông báo số 667 của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với trường. Theo đó, kiên trì xây dựng Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phải coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công khâu đột phá “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số”.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ tính hiệu quả, sự phù hợp của các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với Trường Đại học Hạ Long trong những năm qua. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp trong giai đoạn mới bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, hướng tới việc tăng dần tính tự chủ của nhà trường. Trong đó cần nghiên cứu chính sách đào tạo, đào tạo lại giảng viên đang làm việc tại Trường và chính sách hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc học thạc sĩ, tiến sĩ và làm giảng viên tại Trường. Tới đây sẽ thực hiện đánh giá 10 năm hoạt động của trường gắn với các mục tiêu đề ra, cùng các định hướng thời gian tới, phù hợp với bối cảnh chung của đất nước, khu vực và địa phương, hướng tới tiếp tục xây dựng trường trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, phục vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất cho rằng, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm khuyến khích phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp đóng góp rất tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có những địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời, có sự đầu tư lớn tới trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ hơn về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đã phù hợp với thị trường hay chưa. Nhất là chất lượng đào tạo của các mã ngành, mã nghề mà tỉnh có chính sách ưu tiên, thu hút; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về Giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp.
Thường trực Tỉnh uỷ giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng làm rõ mục tiêu tới năm 2030 đào tạo được 50.000 lao động cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh theo hướng chất lượng cao, cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn, tiếp cận trình độ các nước ASEAN, có khoảng 15 ngành nghề trọng điểm, trong đó có khoảng 3 đến 5 ngành nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đối với các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn, cần đánh giá tổng thể hiệu quả các cơ sở này gắn với sự phát triển KTXH địa phương và lộ trình từ nay tới 2030 tầm nhìn 2050.
Về nhiệm vụ, giải pháp, phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Quảng Ninh nói không với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng thấp. Tăng cường quản lý nhà nước về chương trình, phương pháp, quy trình, nội dung giảng dạy tới trang thiết bị, cơ sở vật chất… Tiếp tục nghiên cứu có nội dung hỗ trợ phù hợp để phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo; tăng cường công tác hướng nghiệp, giáo dục phổ thông; thực hiện đồng bộ phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ nội dung, chương trình, phương thức đào tạo nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp theo hướng chất lượng cao
Các cơ quan chức năng sớm tham mưu cho tỉnh việc chuyển nhanh cơ chế cấp ngân sách nhà nước sang đặt hàng giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích hình thức xã hội hóa và hợp tác công tư trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về nhiệm vụ công tác tuần cùng nhiều nội dung quan trọng khác.