Chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 188 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã và các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh với trên 10.500 đại biểu tham dự.
Để đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành Thuỷ sản. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu ở các ngành, địa phương. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan; thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) trong năm 2024. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành Thuỷ sản.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và phương hướng thực hiện Chỉ thị số 32 một cách hiệu quả nhất, thể hiện quyết tâm cao trong triển khai thực hiện những giải pháp trong công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo một số kết quả trong phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là các giải pháp tăng cường tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo tính răn đe, thực thi nghiêm pháp luật Thuỷ sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác IUU, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động và nhiều văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển và đã đạt được hiệu quả tích cực. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc thống kê, đưa vào quản lý và thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho 5.556 tàu cá trên địa bàn, đạt gần 99,5%. 100% tàu cá có chiều dài trên 15m được lắp thiết bị giám sát hành trình. Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh cũng đã thiết lập 10 điểm kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá tại các bến, cảng trên địa bàn tỉnh. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển được tăng cường; thiết lập đường dây nóng, nhóm Zalo để kịp thời kiểm tra, xác minh các tin báo để xử lý các vi phạm về khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, cùng với việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, nghề khai thác đang chuyển dịch theo hướng giảm khai thác gần bờ. Đến nay, số tàu cá giảm 2.684 tàu so với năm 2018. Thực hiện chuyển đổi trên 3.000 lao động từ nghề khai thác sang nghề nuôi trồng thủy sản. Những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường đều bị cấm. Hàng năm thực hiện thả trên 7 triệu giống thủy sản ra vùng nước tự nhiên.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc xác định các khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản trên biển với diện tích 45.000 ha, đây là cơ sở quan trọng để giám sát, khai thác, tăng nuôi biển và bố trí quỹ mặt biển thu hút đầu tư để phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Hiện nay đang tập trung chỉ đạo bố trí, sắp xếp khu vực nuôi biển an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch. Khuyến khích hình thành các hợp tác xã nuôi biển liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 118 hợp tác xã nuôi biển đang hoạt động, với trên 3.000 lao động. Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã thành lập mới được 65 hợp tác xã nuôi biển, với trên 1.600 lao động. Đồng thời, đã thực hiện thay thế trên trên 10 triệu quả phao xốp gây ô nhiễm môi trường sang sử dụng vật liệu HDPE thân thiện môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đạt tỷ lệ 98%.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh nhận thức rõ về tầm quan trọng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là cơ hội để phát triển bền vững ngành Thuỷ sản. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp để hiện thực hóa được mục tiêu “Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần cùng với cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; tăng cường quản lý đội tàu, kiểm tra, kiểm soát sản lượng đánh bắt thủy sản; nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU.
Quảng Ninh tập trung khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa với phát triển du lịch, phù hợp với cảnh quan và phát triển văn hóa giàu bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, bảo đảm QP-AN vùng biên giới biển, đảo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, để ngư dân thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế thủy sản trên biển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, ổn định để huy động nguồn lực xã hội, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển nuôi biển tại địa phương theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại, đưa công nghệ số vào quản lý các vùng nuôi biển; quán triệt đến các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản biển chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị,Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những giải pháp triển khai thực hiện cụ thể với quyết tâm cao của các bộ, ngành và địa phương ven biển đã được nêu tại hội nghị. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần này để triển khai một cách cụ thể, hiệu quả trong thực tế. Qua đó, thực hiện thành công các yêu cầu, mục tiêu được đặt ra trong Chỉ thị 32 của Ban Bí thư.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định không chỉ để Việt Nam gỡ cảnh bảo “Thẻ vàng” mà còn là giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản; đảm bảo sinh kế cho hàng triệu ngư dân và người lao động có liên quan. Đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.