Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để triển khai phù hợp với thực tiễn của địa phương như: Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”; Quy định về việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội và khối chính quyền; Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 04/9/2024 thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Kế hoạch số 447-KH/TU ngày 19/8/2024 triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Kế hoạch số 551-KH/TU ngày 04/9/2024 thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Đặc biệt, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, tỉnh đã ban hành Quy định về việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị khối Đảng, đoàn thể và chính quyền. Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội được coi là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời với đó thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử để khắc sâu đặc trưng con người Quảng Ninh; tiếp tục nhân lên nét đẹp văn hóa công sở, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, với ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, hướng đến xây dựng Quảng Ninh có “nền hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc”.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng đến công tác giáo dục văn hóa cho học sinh trên địa bàn, từ đó, củng cố niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị nhân văn tốt đẹp, giá trị lịch sử; xây dựng cảm xúc, lý tưởng đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 100% các thôn, bản, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước đảm bảo đúng quy định, trong đó thực hiện tốt nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội, mừng thọ… từ đó, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần xóa bỏ những hủ tục, nếp sống sinh hoạt lạc hậu và tiếp thu có chọn lọc luồng văn hóa mới phù hợp với bản sắc vùng, miền, địa phương.
Trong năm tỉnh cũng đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV, năm 2024, hoàn thành Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Văn hóa phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trước sự quan tâm, vào cuộc và đồng hành rất trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng trong việc khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường; kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% cùng kỳ. Tỉnh đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025; trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 – 2025. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 95,48% dân số. Tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội ước đạt 301.760 người, chiếm 47,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 4,39% cùng kỳ. Tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 254.700 người, chiếm 40,14% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,87% cùng kỳ. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nhiều thành tích cao; điểm thi trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông đứng thứ 25/63 tỉnh thành, tăng 11 bậc so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 đoạt 85 giải, cao nhất trong 6 năm gần đây, xếp thứ 8/70 đơn vị dự thi. Cùng với đó đã có thêm 31.350 lượt người lao động được tạo việc làm, đạt 104% kế hoạch năm.
Cùng với đó, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị được nâng lên; các mô hình, cách làm hay đã được lan tỏa…