Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh về phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, tỉnh tập trung phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh một cách chọn lọc, sáng tạo, hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng thương hiệu địa phương.
Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, công nghiệp văn hóa của Việt Nam được xác định gồm 12 lĩnh vực. Trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá, Quảng Ninh đã hình thành, phát triển và thu được kết quả nhất định ở các lĩnh vực: Mỹ thuật – nhiếp ảnh – triển lãm; quảng cáo và thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và đặc biệt là văn hóa du lịch.
Thời gian qua, tỉnh quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, lan tỏa văn hóa du lịch đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh duy trì tổ chức lễ hội Carnaval Hạ Long với những nội dung đặc sắc, thu hút nhiều đoàn nghệ thuật trên thế giới tham dự. Đặc biệt, Chương trình Carnaval Hạ Long 2024 đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho nhân dân, du khách, khi 6 giá trị cốt lõi trong hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh được chương trình thể hiện rõ. Trong đó, nổi bật là giá trị thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, kinh tế phát triển và đặc biệt là giá trị của nhân dân hạnh phúc; mang đến cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế thông điệp về kỳ quan, di sản, con người của vùng đất Hạ Long – Quảng Ninh. Từ việc sử dụng công nghệ hiện đại đã khắc họa rõ nét và đưa đến khán giả những biểu tượng đặc trưng của Hạ Long – Quảng Ninh, như: Du lịch di sản, văn hóa tâm linh, biểu tượng con người và logo nhận diện thương hiệu của Carnaval Hạ Long 2024 nổi bật trên nền Di sản Vịnh Hạ Long huyền ảo…
Cũng trong năm nay, tỉnh tổ chức thành công Lễ hội thuyền buồm, dù bay, motor nước với chủ đề “Vượt sóng Hạ Long – 2024”. Lễ hội đã mang đến sự mãn nhãn cho nhân dân, du khách với phần trình diễn hấp dẫn của các loại hình thể thao mặt nước và trên không, như: Diễu hành thuyền buồm, biểu diễn mô tô nước nghệ thuật chạy theo đội hình, diễu hành cờ Tổ quốc; đồng diễn dù lượn paramoto trên không mang theo cờ Tổ quốc… Cùng với đó, lần đầu tiên Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản – Sắc màu Hạ Long”, tổ chức tại Quảng Ninh đã mang đến cho du khách, nhân dân những trải nghiệm ấn tượng, cảm giác mới lạ, khó quên khi được ngắm nhìn từ trên cao không gian tươi đẹp, hùng vĩ của thành phố bên bờ Di sản. Đây cũng là dịp để quảng bá, thúc đẩy du lịch Hạ Long, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần cụ thể hoá Đề án “Hạ Long – Thành phố lễ hội”, cùng tỉnh hiện thực mục tiêu đón 19 triệu lượt du khách trong năm 2024.
Tiềm lực văn hóa đã trở thành nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch Quảng Ninh. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu như Carnaval Hạ Long, Carnaval Mùa đông, các lễ hội đặc sắc của địa phương cũng được tổ chức thường niên, như: Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ngày hội Hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của dân tộc Dao…, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền của tỉnh Quảng Ninh thêm đặc sắc…
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Trong tháng 10/2024, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc) lần thứ 29, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh đã tham gia, tìm hiểu về phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do (Hàn Quốc); cơ chế chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa; bộ máy tổ chức và vận hành của nhà máy sản xuất công nghiệp văn hóa… Đặc biệt, tại chương trình, gian hàng của tỉnh Quảng Ninh cũng trưng bày, cung cấp các poster, banner, ấn phẩm du lịch… nhằm quảng bá, giới thiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích và danh thắng Yên Tử và các cảnh quan khác tới các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nhiều nhà đầu tư tham quan và tìm hiểu.
Hướng tới Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ ngày 4-9/11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ hội Văn hóa – Du lịch Việt Nam tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Tại lễ hội, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Quảng Ninh. Tỉnh cũng tham gia gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đặc sắc của Quảng Ninh, như: Trà hoa vàng, Trà Đường Hoa…
Với những tiềm năng rất lớn phát triển âm nhạc, thời gian qua, tỉnh cũng quan tâm tổ chức nhiều chương trình, liên hoan ca nhạc, gặp gỡ điện ảnh, thu hút giới tinh hoa trong nước và thế giới về hội tụ. Theo kế hoạch, ngày 22/11 này, tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long diễn ra đại nhạc hội Superfest 2024 Quang Ninh với sự quy tụ cả hai dàn “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi”, với sự tham gia của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: Bằng Kiều, SOOBIN, Binz, Quang Hùng MasterD, WEAN, Pháp Kiều, Captain Boy, DJ Victor Bailey, MC Trần Anh Huy. Đại nhạc hội là sự kiện mở màn cho mùa lễ hội cuối năm tại vùng đất kỳ quan, hứa hẹn không gian âm nhạc sôi động; khán giả sẽ được khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long…
Cùng với những tiềm năng, thế mạnh, những nguyên liệu của công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh kết hợp với nhau và kết hợp với công nghệ giúp những sản phẩm văn hoá có giá trị gia tăng cao. Cùng với khai thác tốt tiềm năng du lịch trên, tỉnh còn duy trì và phát triển những mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Quảng Ninh, trong đó quan tâm đưa các yếu tố của văn hoá, nghệ thuật vào để tạo thêm nét đẹp cho mỗi sản phẩm. Đồng thời, chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, như: Làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương; làng nghề đan ngư cụ Hưng Học; phát triển văn hóa ẩm thực đặc sắc Hạ Long, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hình thành các cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn xếp hạng quốc tế; phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương trong các sản phẩm OCOP…
Tỉnh còn kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.