Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực, quan tâm đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn. Các công trình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Năm 2023, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm thúc đẩy vùng phát triển nhanh bền vững. Tỉnh chỉ đạo triển khai 101 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, trong đó có 20 dự án theo Nghị quyết số 06 (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và 81 dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai một số dự án giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn của tỉnh và các cửa khẩu, như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ) huyện Tiên Yên; đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ)…
Không chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cho các xã vùng cao nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền, tỉnh còn đặc biệt dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đồng bộ. Năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương đầu tư mới 4 trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long), THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long).
Tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn, phấn đấu chậm nhất đến năm 2025, hoàn thành việc hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã xây dựng một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Cùng với đó, hạ tầng phục vụ thông tin truyền thông, văn hóa, nước sạch vệ sinh môi trường từng bước được nâng cấp, củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sử dụng của người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 6.296 trạm thu, phát sóng di động (trạm BTS); cáp quang phủ rộng tới 100% các xã; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 91,79%. Trên địa bàn tỉnh 98/98 xã có đài truyền thanh xã và hệ thống loa đến các thôn, bản hoạt động; 98/98 xã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại, internet cho người dân trên địa bàn; 98/98 xã có trung tâm thể thao hoặc sân tập thể thao đơn giản như nhà luyện tập và thi đấu, sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền, bể bơi. Đồng thời, bố trí trong khuôn viên các khu thể thao thuộc các xã, các trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
Trong năm qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã đầu tư 12 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn các xã trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nâng tổng số công trình trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 86,37%. Tỉnh đã tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện, các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã và các công trình xử lý chất thải sinh hoạt tập trung quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3/5 khu xử lý cấp vùng đi vào hoạt động, toàn tỉnh có 9/13 địa phương có lò đốt rác được đầu tư đã đi vào hoạt động, với tổng số 19 lò đốt rác cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, năm 2024, tỉnh tập trung tối đa đầu tư cho các xã về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng kế hoạch; đảm bảo cân đối đủ vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, lồng ghép nguồn lực để thực hiện các quy hoạch và tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối liên vùng. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch tập trung theo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT đạt trên 70%; công trình đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung gắn với khu sản xuất liên kết chuỗi giá trị nông lâm thủy sản. Đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai; công trình xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để đảm bảo có trên 91% trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế xã, huyện; cơ sở vật chất văn hóa thể thao; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm; phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.