Những năm qua, Quảng Ninh luôn coi trọng và có nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Tỉnh thường xuyên rà soát, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ giữa các cấp, ngành đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, khoa học, công khai, minh bạch và có tính kế thừa; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong công tác cán bộ, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu của cả nước thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển đảm bảo tính cạnh tranh, khách quan, công khai, minh bạch theo hướng dẫn của Trung ương và quy chế, quy định của tỉnh. Đặc biệt, căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, quy định và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành những quy định chung về công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm và phân cấp quản lý cán bộ.
Trước những yêu cầu về công tác cán bộ trong giai đoạn mới, ngày 29/6/2023, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quy định số 1099-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quy định số 288-QĐ/TU (ngày 18/6/2021). Trong đó, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo đúng thẩm quyền.
Quy định cũng đề ra nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện nghiêm quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Thực tế việc mở rộng dân chủ, phân cấp quản lý trong công tác tổ chức cán bộ thời gian qua ở Quảng Ninh đã giúp cho tỉnh lựa chọn được người đứng đầu có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý. Tại đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở hơn 80% đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, 100% đảng bộ cấp huyện; kết quả 100% chức danh chủ chốt được bầu với số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên, bí thư cấp ủy trúng cử với tỷ lệ 90% trở lên. Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, 100% đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy (trừ Đảng bộ Quân sự tỉnh).
Trong công tác thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, tỉnh thực hiện đồng bộ các khâu, từ quy hoạch đến đánh giá trình độ, năng lực, thái độ chính trị của cán bộ đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ. Giai đoạn 2018-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức thi tuyển 14 vị trí chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý với 53 ứng viên đủ điều kiện dự thi tuyển; đã có 14 người trúng tuyển chức danh lãnh đạo quản lý (cấp trưởng 1 người, cấp phó 13 người). Ban Thường vụ cấp huyện, sở, ban, ngành đã tổ chức thi tuyển 437 vị trí chức danh cấp trưởng, cấp phó phòng với 1.059 ứng viên đăng ký đủ điều kiện tiêu chuẩn dự thi; đã bổ nhiệm sau thi tuyển 430 người/437 vị trí.
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 2.843 cán bộ, trong đó giai đoạn 2010-2015 bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 370 cán bộ; giai đoạn 2015-2020 bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 1.813 cán bộ; giai đoạn 2020-2023 bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 660 cán bộ (50 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 610 cán bộ diện Ban Thường vụ cấp huyện quản lý), giới thiệu ứng cử 1.245 cán bộ (cấp tỉnh 104, cấp huyện 1.141).
Qua đánh giá của Ban Tổ chức các cấp, những cá nhân được bổ nhiệm sau thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý và cán bộ được bổ nhiệm lại đều thể hiện, phát huy được năng lực, trình độ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt là đã phát huy được vai trò của người cán bộ lãnh đạo quản lý dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.