4 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện xử lý 17.584 vụ vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời xử lý các vụ việc nổi cộm, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ ngày 15/12/2023 -25/4/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Riêng tháng 4 năm 2024, lực lượng đã phát hiện, xử lý 4.599 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 45 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 15 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Đáng chú ý, trong 4 tháng năm 2024, thực hiện Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương về hoạt động này, Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện 145 vụ vi phạm tại cửa hàng vàng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 6,8 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỉ đồng.
Trong nhiều vụ việc kiểm tra, lực lượng phát hiện số lượng lớn trang sức là vàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam như: Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès…
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 4 tháng đầu năm để giữ ổn định thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Riêng với công tác quản lý thị trường vàng, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đây là mặt hàng trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng trong 4 tháng đầu năm.
Qua kiểm tra, giám sát, các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến mặt hàng vàng là việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu nổi tiếng hoặc phổ biến của nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Phân tích nguyên nhân, lãnh đạo Tổng cục cho biết, do một bộ phận người tiêu dùng trong nước có nhu cầu mua sắm trang sức có gắn các thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ.
Các sản phẩm trang sức vi phạm có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, do đó, các cửa hàng vàng thường chế tác, bày bán trà trộn sản phẩm trang sức xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng với hàng chính hãng để dễ tiêu thụ, thu lời bất chính.
Bên cạnh mặt hàng vàng, trong 4 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường cả nước cũng tăng cường lực lượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và mới đây nhất là kiểm tra việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…
Số liệu của cơ quan này cho biết, trong 4 tháng năm 2024, lực lượng phát hiện 144 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 3,5 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; các doanh nghiệp mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường các địa phương phát hiện nhiều cửa hàng bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bán xăng dầu không đúng địa chỉ theo giấy phép đăng ký.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Giang cho biết, trong 4 tháng đầu năm Cục đã ban hành và đang triển khai kiểm tra đối với 37 thương nhân kinh doanh xăng dầu, gồm: Thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân làm đại lý bán lẻ, nhượng quyền bán lẻ, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu) và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Đặng Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay, 4 tháng năm 2024, Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 335 cơ sở kinh doanh; phát hiện, xử lý 233 cơ sở vi phạm về hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng… trong đó có nhiều vụ việc vi phạm liên quan quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, để bảo vệ môi trường kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm, có nhu cầu tiêu dùng cao.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường truyền thống, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ chú trọng kiểm tra hoạt động kinh doanh, chấp hàng pháp luật trên môi trường thương mại điện tử.